CHÙA XUÂN LONG – NƠI XUÂN SƠN LONG THỦY

Chùa đất tổ VỀ NGUỒN

Chùa hoa nép sườn nam

Cấp dưới cheo leo đá

Trước mặt dòng sông lam

Mây che trông cây tốt

Trời vắng áng mây dang

Rõ ràng đọc các sách

Càng biết tịnh là an

Xuân Long là một ngôi chùa được biết đến với nhiều cảnh quan tươi đẹp, nhiều sắc thái riêng biệt nằm ven thị xã Sông Cầu. Nơi đây, phong cảnh thật hữu tình với non xanh nước biếc, sẽ là một địa điểm cho những ai thích trải nghiệm du lịch tâm linh.

Quang cảnh – chùa Xuân Long

Chùa tọa lạc tại thôn Long Phước, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Dọc theo Quốc Lộ 1A, đến cầu Tam Giang, hướng về phía Tây, xa xa du khách sẽ thấy ba pho tượng Tam thánh Tây Phương đứng uy nghiêm giữa sườn núi.

Ba pho tượng Tam thánh Tây Phương – chùa Xuân Long

Chùa được xây dựng trên lưng chừng đồi, mặt hướng ra vịnh Xuân Đài, một thắng cảnh được xếp vào hàng Di tích thắng cảnh quốc gia năm 2011. Mặc , ngôi Cổ Tự nằm ở vị trí rất cao nhưng lưng tựa Hòn Dù, kiến tạo này khiến cho du khách thấy được sự vững chãi của ngôi chùa. Phía Bắc là núi Ông Định, phía Nam có Dốc Găng. Đứng ở đây, du khách sẽ được ngắm nhìn dòng sông Tam Giang thơ mộng, uốn lượn như rồng cuộn, đổ ra vịnh Xuân Đài, xa hơn nữa, là những đồi cát chập chùng của xã Xuân Phương.

Dòng sông Tam Giang uốn lượn

Nhìn phong cảnh này, chúng ta chợt nhớ đến bài thơ Đi thuyền của Thiền Sư Huyền Quang, Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm:

Mênh mông theo gió con thuyền nhỏ

Thu sáng ngời xanh bóng nước cây

Tiếng gõ thôn chài lau lách vọng

Trăng lng đáy nước sương trắng đầy.

Vượt qua con dốc đứng sẽ đến Chùa, hình ảnh Tôn tượng Tam Thánh Tây Phương, cao lớn uy nghiêm trước ngôi Tam Bảo, sẽ khiến du khách lắng lòng chiêm ngưỡng. Có thể nói, đây là ba Tôn tượng lớn nhất của thị xã Sông Cầu, ở thời điểm hiện tại. Khi đảnh lễ, chúng ta cũng không quên quán chiếu hạnh nguyện đại hùng, đại lực, đại từ bi của các Ngài. Nếu như đức Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta Bà, thì đức Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc, với hạnh nguyện độ những ai hữu duyên muốn vãng sanh về thế giới của Ngài. Hai bên là Tôn tượng bồ tát Đại Thế Chí và bồ tát Quán Thế Âm.

Bảo Điện – chùa Xuân Long

Đảnh lễ xong, du khách sẽ bước tiếp vào Bảo Điện lễ Phật. Chánh điện nơi đây, được Tôn trí như các chùa Bắc Tông khác. Trước Bảo Điện có cặp đối cổ:

Sơn gia Xuân sắc nghi cao ẩn

Phật quốc Long triêm độ chúng sanh.

Dịch:

Chùa núi sắc Xuân thích hợp nơi tu ẩn

Đất Phật hưng Long hoá độ khắp chúng sanh.

Được biết hiện nay, Chùa còn lưu giữ pho tượng Chuẩn Đề bằng gỗ mít và đại Hồng Chung nặng 100kg được đúc vào năm Duy Tân thứ 3.

Gian thờ Tổ – chùa Xuân Long

Phía sau là gian thờ Tổ Sư Đạt Ma và Long vị của chư vị cao Tăng tiền bối. Trong gian thờ Tổ có hai cặp đối:

Bạch mã hữu kinh Phật quốc độ lai quảng bố

Hồng trần vô mộng Tăng gia trực đáo hoằng khai

Dịch:

Ngựa trắng chở kinh từ nước Phật về truyền bá

Thế gian hết mộng do Tăng già thường đến xiển dương.

Cặp hai:

Nho khả thông thiền hóa thế tùy duyên công đức thủy

Nhân thường đối cảnh tự gia sinh ý cát tường hoa

dịch:

Nho không ngại thiền tùy duyên hóa độ thế gian công đức như biển

Người thường hợp cảnh sự nghiệp tu hành chính mình tươi đẹp tợ hoa.

Chùa Xuân Long được Ngài húy Chơn Minh, tự Đạo Thành, hiệu Thiền Định, khai sơn vào năm 1900. Trước khi xuất gia, Ngài làm quan, cho đến cuộc khởi nghĩa Võ Trứ diễn ra, Ngài bị tình nghi có liên quan đến cuộc khởi nghĩa này, nên đã bị bắt và giam cầm. Trong suốt thời gian đó, Ngài thường luôn niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, và nhiệm màu thay Ngài đã được giải oan. Sau đó, Ngài xin từ quan về quê vui sống với ruộng vườn tại Hóc Quán quê nhà. Một ngày nọ, trong lúc làm vườn Ngài phát hiện ra một hủ vàng không biết ai chôn dấu nơi này. Ngài nghĩ rằng, đây là lộc Trời cho, và nhớ về sự mầu nhiệm của việc chuyên trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm bồ tát, nên được cảm ứng. Với số vàng đó, Ngài không tiêu xài cho mục đích cá nhân mà mua một khoảng đất rộng, cung thỉnh HòaThượng húy Ấn Chơn, hiệu Huệ Hương, trụ trì Chùa Triều Tôn, đời thứ 3, làm lễ khai sơn, tạo dựng nên ngôi chùa Xuân Long. Ngài cũng xin Hòa Thượng quy y xuống tóc để được tu hành. Từ đó, Ngài khuyên nhủ gia đình, người thân cùng nhau về Chùa tu tập để được thấm nhuần giáo lý Phật Đà.

Sau khi Ngài Chơn Minh viên tịch, Chùa được Ngài húy Như Hiển, tự Giải Chí, hiệu Quảng Hưng kế thừa đời thứ 2. Ngài Quảng Hưng trụ trì được một thời gian thì viên tịch. Chùa Xuân Long không đệ tử kế vị. Tiếp sau đó, chiến tranh xảy rangôi Chùa bị tàn phá nặng nề, và bỏ hoang trong một thời gian dài.

Tháp Ngài Chơn Minh

Đến năm 1990, hội đủ duyên lành ĐĐ. Thích Quảng Đạo đại trùng tu lại ngôi Tam Bảo, sau đó giao lại cho Sư Huynh là ĐĐ. Thích Quảng Hoàn kế nhiệm trụ trì và hành đạo cho đến nay. Còn ĐĐ. Thích Quảng Đạo được Tông môn cử ra trông coi và trùng tu lại Tổ Đình Phước Long.

Trong một dịp dự lễ an vị Phật tại Chùa Xuân Long, HT. Thích Đồng Tiến (khi đó là Chánh đại diện Phật giáo huyện Sông Cầu) đã có lời phát biểu cảm nghĩ của mình về ngôi chùa. Ngôi chùa này có cảnh quan tươi đẹp bậc nhất của huyện Sông Cầu (nay thị Sông Cầu), có thể sẽ trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng sau này”. Thời gian thấm thoát trôi qua, nay đã hơn 20 năm, chúng ta mới cảm nhận được lời nói của Hòa Thượng thật chuẩn xác. Cũng trong ngày an vị này, nhà thơ Trần Bính có cảm tác một bài thơ:

Đây có phải chùa Hàn Sơn thưở trước

Ngoài thành Cô Tô sông nước mờ sương

Một ngôi chùa còn chép trong thơ Đường

Nay thấy lại chùa Xuân Long tái lập

Bên kia đấy, thành Cô Tô xưa là

Thành Long Bình của Phú Yên đã sập

Bến Cô Tô là sông nước Tam Giang

Đây cheo leo Xuân Long tự nghiêm trang

Ngỡ Hàn Sơn Tự huy hoàng cổ tích

Ngoài xa nữa, Ông Định ngồi chắc nịch

Như sơn Tăng tĩnh tọa ven bờ đầm

Vịnh Xuân Đài sông nước mênh mông

Xanh biển lẫn xanh trời ngút ngát

Thuyền ghe neo đậu ra vào san sát

Đêm rực đèn đánh cá tợ sao sa

Ngỡ hội hoa đăng thành phố nơi xa

Đây nhịp Tam Giang, kia cầu Thị Thạc

Khách phong trần dáo dác lại qua

Càng lên cao càng trông khắp bao la

Thôn xóm núp dưới hàng dừa xanh ngát

Mồ hôi chảy mà nghe sao thoáng mát

Tiếng chuông ngân thêm thánh thoát lòng thiền

Lên đây sạch ưu phiền

Dẫu chưa là Phật cũng Tiên cõi trần

Trong lòng nhẹ nhõm lân lân

Phù sinh lại được chút phần nhàn cư.

Toàn cảnh thiên nhiên núi sông trời biển giao hoà từ trên chùa nhìn xuống

Đứng ở nơi đây, du khách thật sự có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên, núi sông, trời biển giao hòa như bức tranh thủy mặc, và chợt nhớ đến bến Cô Tô, chùa Hàn Sơn nổi tiếng của Trương Kế ngày xưa. Nhà thơ này, vào một đêm nọ đã neo đậu thuyền tại bến Phong Kiều và cảm tác ra một tuyệt phẩm lưu truyền muôn đời, đó là bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc:

 Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hoả đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch là:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

(nhà thơ Tản Đà dịch)

Cũng vào một buổi chiều tà, chúng tôi đến thăm ngôi Cổ Tự, đi lang thang dạo chơi trên sườn đồi, và ngắm nhìn núi xanh, sông biếc, biển trời bao la, lòng đầy an tịnh nhưng lại bùi ngùi khi nhớ lại….

Quê hương khuất bóng hoàn hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Ngày nay, đất nước đang trong thời điểm bùng nổ về du lịch. Cụ thể hơn hết, chính quyền sở tại đã có dự án mở một con đường lên chùa, tạo điểm nhấn để từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị xã Sông Cầu.

Hãy một lần tìm về vùng đất này, du khách có thể ghé lại thăm chùa Xuân Long, sẽ cảm nhận được phần nào sự bình an thanh thoát trong tâm hồn, để rồi có chút gì lưu lại trong hành trình trải nghiệm nơi Xuân sơn Long thủy này.

Dưới đây là một số hình ảnh, xin gửi đến bạn độc:

 

   Phật Giáo Sông Cầu – BBT