CHÙA THIÊN PHƯỚC – NÉT ĐẸP MỘC MẠC CỦA VÙNG QUÊ

Chùa đất tổ VỀ NGUỒN

Núi xa nhà vắng mưa mau

Mênh mông cồn cát trắng phau ngõ dừa

Trong thôn văng vẳng tiếng gà

Bỗng đâu phúc chốc chuông chùa nện không

(Nhà thơ LưuTrọng Lư)

Chùa Thiên Phước không có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp như các Chùa khác trong vùng, nhưng lại mang nét yên bình dân dã của một vùng quê .

Dọc theo Quốc lộ 1A đến Đèo Nại, hướng ra Bắc khoảng 300m, đến cổng thôn Văn Hóa Hòa Hiệp, men theo con đường bê tông khoảng 100m, du khách sẽ thấy ngôi chùa Thiên Phước nằm nép mình khiêm tốn trong xóm nghèo.

Chùa Thiên Phước tọa lạc, tại thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Diện tích đất chùa khoảng 4000m2.

Khi bước vào cổng chùa, du khách sẽ nhìn thấy một khoảng sân rộng, được trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó đặc biệt còn vài cây Xoài có tuổi đời gần trăm năm.

Quang cảnh – chùa Thiên Phước

Trước mặt ngôi chùa, được tôn trí Điện Quan Thế   Âm, với kiến trúc hình lục giác, trên mái trang trí hoa văn rồng, phượng uốn lượn.

Điện Quan Thế Âm – chùa Thiên Phước

Tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao khoảng 3m, khuôn mặt hiền từ với  lòng từ bi sâu rộng.

Phổ môn tiếng vọng triều dâng

Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen

Dương chi một hạt vẩy lên

Xuân về khắp chốn mọi miền núi sông.

(Thiền sư Nhất Hạnh)

Chùa Thiên Phước được xây dựng với kiến trúc mái cổ lầu, hai bên là lầu chuông, lầu trống tuy không nguy nga đồ sộ nhưng lại mang nét đẹp bình dị nơi thôn dã.

Bảo Điện – chùa Thiên Phước

Đảnh lễ Bồ tát Quan Thế âm xong, du khách bước vào Chánh Điện lễ Phật. Trên Bảo Điện tôn trí tượng Bổn Sư Thích ca Mâu Ni đang ngồi thiền định trầm mặc, toát lên vẻ uy nghiêm với lòng từ bi sâu rộng của ngài. Khi chiêm bái tượng Phật Bổn Sư, chúng tôi chợt nhớ lại lời phát nguyện của ngài A Nan khi đảnh lễ đức Thế Tôn:

Đời năm trược con thề vào trước

Dẫu gian nguy chí cả không sờn

Cứu chúng sanh là báo Phật thâm ân

Lời vàng ngọc con hằng ghi tạc dạ 

Sau lưng tượng Bổn Sư là bức bích họa vẽ áng mây lành. Hai bên là tượng Bồ tát Quan Âm và tượng Bồ tát Địa Tạng.

Phía sau Bảo Điện là gian thờ Tổ, nơi Tôn thờ long vị các trụ trì qua nhiều đời.

Gian Thờ Tổ – chùa Thiên Phước

Chùa Thiên Phước được khai sơn vào khoảng thế kỷ 19, trước kia Chùa vốn là của tộc họ Phạm dựng lên để tu hành. Sau đó, Gia tộc hiến cúng lại cho ngài húy Thanh Chính, hiệu Nguyên Lộc (xuất thân từ Tổ đình Thiên Thai), nên ngài Thanh Chính được  xem như là Tổ khai sơn ngôi Chùa. Đến năm 1915, Chùa được ngài húy Trừng Thập, hiệu Vĩnh Thông trùng tu lại.

Vào  năm 2000, Ngài húy Tâm Phước, hiệu Truyền Phương đại trùng tu lại lần nữa nên có diện mạo khang trang như ngày hôm nay.

Hiện nay, trụ trì chùa Thiên Phước là đại đức Thích Nguyên Hòa, và thầy là Trưởng Ban trị sự GHPGVN thị xã Sông Cầu, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Đến thăm ngôi Chùa, chúng tôi cảm nhận Đạo Phật có thể dung hòa với nếp sống truyền thống, bao đời của người dân Đất Việt. Từ Núi non hẻo lánh, đến Thành thị phồn hoa, hoặc ven Biển xa xôi, đâu đâu ngôi Chùa cũng hiện diện. Chùa không những là nơi Tôn thờ Phật, mà còn là nơi để cho người dân lui tới, chiêm bái và gắn kết giữa đạo với đời. Như ai đó đã từng nói:

Đạo đời đâu khác, hiềm thô dạ

Tăng tục chi chia, quí tốt lòng.

Dưới đây là một số hình ảnh, xin gửi đến độc giả:

Phật Giáo Sông Cầu – BBT