Ý NGHĨA BỐ THÍ TRONG PHẬT GIÁO

HOẰNG PHÁP Từ thiện

Nhân ngày đoàn từ thiện chùa Giác Hoàng tỉnh Lâm Đồng đem những phần quà đầy tình nghĩa yêu thương đến với người dân nghèo tại chùa Triều Tôn , thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, chúng tôi mới lại cảm nhận thêm hơn những việc làm đầy ắp tình người và mang đậm ý nghĩa nhân văn giữa cuộc sống còn quá nhiều những thao túng bởi ảnh hưởng của Xã hội hiện nay.

Cuộc sống nhân sinh là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng nghỉ, mà ở đó mỗi chúng ta là một mắc xích quan trọng để nối kết lẫn nhau. Vì vậy, đừng do dự khi mở rộng lòng mình với hết thảy mọi người. Đâu đó trên đất nước, rất nhiều người, khắp mọi nơi …. Bạn biết không, vẫn có thể có ai đó đang chờ đợi ở Bạn một sự cảm thông, một vòng tay ấm áp, một sự sẻ chia. Đôi khi, chỉ một ánh mắt trìu mến, một nụ cười thân thiện, hay một câu nói chân tình cũng đủ làm ấm áp một trái tim. Hãy cho đi để người khác cảm nhận được rằng: cuộc sống còn nhiều lắm những tấm lòng bao dung, nhân ái.

Trong giáo lý của đạo Phật, chúng ta biết rằng Bố thí là hạnh đứng đầu trong Lục độ. Bố thí gồm có:

Tài thí (bố thí bằng của cải).

Pháp thí (bố thí chánh pháp).

Vô úy thí (bố thí sự an vui).

Thông thường, đa số Phật tử thường có chung một ý nghĩ giống nhau về sự Bố thí. Mọi người thường quan niệm rằng: bố thí là dùng tiền tài làm từ thiện, mua sắm những vật dụng để giúp đỡ người nghèo khổ …. Đây thuộc về Tài thí.

Pháp thí: là những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật, là lời hay lẽ phải để truyền tải đến mọi người. Hoặc trong cuộc sống thường nhật, chúng ta biết nói những lời động viên, nhắc nhở, khuyến khích lẫn nhau, những câu nói làm cho mọi người cảm thấy an lạc nhẹ nhàng.

Người xưa từng có câu: “Để cho con một núi vàng, không bằng để lại một quyển sách hay, để một quyển sách hay không bằng một trang sách hay, để một trang sách hay không bằng một câu nói hay”. Pháp thí có giá trị lớn lao hơn cả Tài thí, vì Tài thí chỉ giúp người khác bớt túng thiếu về vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Còn Pháp thí lại có thể lợi ích ngàn đời và có ảnh hưởng sâu rộng hơn Tài thí.

Vô úy thí: là làm cho người khác không sợ và hết sợ. Trong Phật giáo đại Thừa hay lấy hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm để nói lên hạnh Vô úy thí. Như trong kinh Phổ Môn có câu: Này Vô Tận Ý, vì vị Bồ Tát đó hay đem sự Vô úy thí cho chúng sanh nên gọi là Quan Thế Âm.  Sẽ có người bảo: “biết vậy nhưng làm được thì khó lắm”.

Một nhà tư tưởng Tây phương nào đó đã nói: “Ăn một trái chuối còn phải bóc vỏ” huống nữa là đặt nền móng vững chắc cho một sự thành công rực rỡ ở ngày mai. Vâng, khó nhưng không phải là không làm được. Vậy chúng ta hãy mạnh mẽ đọc lại hai câu thơ của cố nhân:

Thế thượng vô nan sự,

Nhân tâm tự bất kiên

Nghĩa là: ở đời không có việc gì khó, chỉ bởi lòng người chẳng vững thôi.

Hơn ai hết, chúng ta là những hành giả học Phật, để đời sống ngày càng trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn, điều cần thiết nhất là phải biết xây dựng cho tự thân lòng tin, chí hướng với tâm Từ bi đầy Trí tuệ, và không những cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người xung quanh ta. Khi có được những đức tính ấy rồi, chúng ta mới thể bỏ đi cái tiểu dị mà lấy cái đại đồng, mới có thể dung hòa với mọi người trong cùng một bản thể vô phân biệt được. Và cũng từ đó, buông đi cái tự thân riêng của mình chính là mỗi chúng ta đều đã có thể thực hành tốt sự Bố thí mà đạo Phật muốn nói đến, là nghĩa này vậy.

Phật Giáo Sông Cầu – BBT