CHÙA PHƯỚC ĐIỀN – NƠI SƠN THỦY HỘI TỤ

Chùa đất tổ VỀ NGUỒN

Chuông khua tỉnh giấc mộng

Đường về trăng sáng đầy.

Chùa Phước Điền là một trong những ngôi chùa có cảnh quan tươi đẹp nhất thị xã Sông Cầu. Nơi đây, chùa có cảnh sắc tự nhiên và tụ hội đầy đủ, non nước giao hòa với nhau thật là ngọan mục.

Dọc theo Quốc Lộ1A, đến cầu Bình Phú, xuôi vào Nam khoảng 1km, nhìn về phía Tây, lữ khách sẽ thấy ngôi chùa rất đồ sộ trên một sườn đồi. Chùa được tọa lạc, tại thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Diện tích  đất chùa khoảng 10.000 m2.

Quang cảnh – chùa Phước Điền

Ngôi chùa được xây dựng, trên một khoảng đất rộng, phía trước mặt là đầm Cù Mông, bên kia đầm là bán Đảo Xuân Hòa, được trải dài ra tận cửa biển, nhìn xa xa là Biển Đông. Phía sau, chùa tựa lưng vào núi Yên Beo vững chãi. Phía Bắc và phía Nam là hai sườn đồi bao bọc quanh chùa. Đứng ở trên đây, chúng ta có thể nhìn thấy toàn cảnh biển trời bao la ngút ngàn.

Điện Quan Âm – chùa Phước Điền

Từ Quốc Lộ 1A, qua một con dốc nhỏ, sẽ đến khoảng sân rộng, chúng ta  sẽ vào chiêm bái và đảnh lễ Tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm với lòng từ bi sâu rộng, luôn ban vô úy cho tất cả chúng sanh.

Điện Quan Âm được xây dựng, theo mô hình chùa một cột. Xung quanh Điện là hồ nước rộng, nhìn tổng thể kiến trúc Điện Quan Âm như một đóa sen vươn lên khỏi mặt nước, màu sắc lung linh, tỏa hương thơm ngát. Thật là:

Như sen một đóa vươn thơm ngát

Vãng cảnh dừng chân chẳng muốn đi.

Điện tuy có kiến trúc mô phỏng chùa một cột nhưng được cách điệu với hai chiếc cầu nối liền đến chính điện.

Điện Bồ Tát Địa Tạng – chùa Phước Điền

Sau khi đảnh lễ và chiêm bái Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta sẽ đến điện Bồ Tát Địa Tạng, tiếp tục đảnh lễ và quán chiếu đại nguyện sâu rộng của ngài.

Địa ngục vị không, thệ bất thành phật

Chúng sanh độ tận, phương chứng bồ đề.

Điện Bồ Tát Di Lặc – chùa Phước Điền

Đảnh lễ Bồ Tát Địa Tạng xong, chúng ta sẽ đến điện Bồ Tát Di Lặc. Điện Di Lặc được tôn trí trên một tảng đá to, được sắp đặt khéo léo giữa tự nhiên và bàn tay con người. Như câu thơ:

Chăng sông núi còn đợi ai đây

Hay tạo hóa kéo ra tay xếp đặt

(Chu Mạnh Trinh)

Bồ Tát Quan Âm là biểu tượng của Đại Bi, Bồ Tát Địa Tạng là biểu tượng của Đại Nguyện, thì Bồ Tát Di Lặc là biểu tượng của Hỷ Xã. Bồ Tát Di Lặc cũng là vị Phật tương lai, nhìn nét từ dung của ngài, thật giống với câu tán thán:

Đại đỗ năng dung, dung thế gian, nan dung chi sự

Từ nhan vi tiếu, tiếu thiên hạ, khả tiếu chi nhơn

Dịch

Bụng lớn dung chứa, chứa những thứ, thế gian không chứa được

Dung mạo hay cười, cười những người, đáng cười trong thế gian.

Tôn tượng đức Phật A Di Đà – chùa Phước Điền

Sau khi đảnh lễ tam vị Bồ Tát, chúng ta đến đảnh lễ tôn tượng đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Tôn tượng Đức Phật cao khoảng 7m thân phủ màu hoàng kim.

Chùa Phước Điền được xây dựng, theo lối kiến trúc hình chữ Sơn với chính điện được trồi ra phí trước, phía sau là hành lang nối liền với nhà Đông, nhà Tây.

Chính điện xây dựng theo lối cổ lầu, hai bên là lầu chuông, lầu trống , thật nguy nga đồ sộ. Trước điện có câu đối:

Phước hậu sơn bao tứ hải nhơn dân đồng chủng phước

Điền  tiền thủy nhiễu thập phương thiện tín cộng canh điền

Tạm dich:

Phước, hậu núi quanh, nhân dân bốn biển cùng gieo phước

Điền, tiền sông nhiễu, thiện tín mười phương chung canh điền.

Bảo Điện – chùa Phước Điền

Bảo Điện tôn thờ giống như các ngôi chùa Bắc Tông khác. Tượng  Bổn Sư được tôn trí chính giữa, sau lưng là bức bích họa cội bồ đề, hai bên là tượng Bồ Tát Văn Thù và tượng Bồ Tát Phố Hiền. Trên Bảo Điện có bức hoành phi:

Từ vân phổ phú

dịch

Mây lành che khắp.

 (Đây là điểm khác biệt với các ngôi chùa khác, vì đa số các chùa trong vùng đều dùng chữ Đại Hùng Bảo Điện)

Gian thờ Tổ – chùa Phước Điền

Phía sau Bảo điện, là gian thờ Tổ, thờ bức họa Tổ Đạt Ma là sơ Tổ Dòng Thiền Tông Trung Quốc (Tổ Đạt Ma là người đầu tiên mang Dòng thiền Tông đến Trung Hoa. Sau đó, Dòng Thiền chia ra nhiều Thiền Phái khác nhau còn gọi là Ngũ Gia Thất Tông và truyền thừa đi các nước trong đó có Việt Nam).

Chùa Phước Điền được khai sơn vào năm 1940, do Ngài húy Trừng Tự hiệu Vĩnh Châu, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 42. Ngài trụ trì nơi đây một thời gian, khi chiến tranh nổ ra ngài về lại chùa Phước Long tu hành cùng sư huynh. Ngôi chùa do ngài khai sơn trở thành hoang phế. Năm 1948, hòa thượng Vĩnh Bảo viên tịch, ngài Vĩnh Châu thừa kế trụ trì chùa Phước Long đến năm 1957 thì viên tịch.

Đến năm 1992, tông môn Tổ đình Phước Long đứng ra kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước, tái thiết ngôi Tam Bảo. Đến năm 1994, ĐĐ. Thích Nguyên Thành và ĐĐ. Thích Quảng Đạo được tông môn chùa Phước Long đặc cử cho công việc xây dựng lại chùa Phước Điền. Do vì sức khỏe không cho phép và còn kiêm trụ trì ba ngôi chùa (chùa Long Quang, chùa Xuân Long, chùa Phước Long), nên Đại Đức Thích Nguyên Thành giao chùa lại cho Đại Đức Thích Quảng Đạo trông coi việc xây dựng và kiêm nhiệm trụ trì. Trong thời gian đó, ĐĐ. Thích Quảng Đạo gặp nhiều khó khăn nên ngôi Tam Bảo rất lâu mới được hoàn thiện.

Cho đến nay, chùa Phước Điền được tái lập khang trang đẹp đẽ, là  nơi quy ngưỡng cho đông đảo thiện nam tín nữ. Chùa không chỉ là đạo tràng tu tập, mà còn có cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hội tụ, đầy đủ điều kiện, được nhiều thuận duyên, để trở thành một địa điểm đáng chọn lựa cho những ai thích du lịch tâm linh.

Đứng nơi đây, Chúng ta nhìn phong cảnh hữu tình, chợt nghĩ lại Tổ khai sơn cũng như chúng tôi ngày nay, đang ngắm non xanh nước biếc và cảm tác ra bài thơ được lưu truyền cho đến ngày nay.

Phước Điền tạo lập để lâu đời

Cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời

Trước mặt trực nhìn long thủy nhiễu

Sau lưng ngoái ngó hổ sơn đài

Nước non chim cá Đông Tây tụ

Thiên lý ngựa xe Nam Bắc lai

Gió mát trăng thanh mây ráng rũ

Chuông chùa ngân quyện, tỉnh trần ai.

Dưới đây là một số hình ảnh, xin gửi đến độc giả.

Phật Giáo Sông Cầu – BBT