Tổng quan về lịch sử Phật giáo Sông Cầu từ đầu thế kỷ XIX đến nay

Dòng lịch sử VỀ NGUỒN

Địa danh Sông Cầu xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1611, khi chúa Nguyễn Hoàng phái Văn Phong đem quân đánh nước Chăm Pa lấy đất lập ra phủ Phú Yên, chia thành hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, Sông Cầu thuộc huyện Đồng Xuân.

Hiện tại, Thị xã Sông Cầu có diện tích 492,8 km², chia thành 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 phường: Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Yên và 9 xã: Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Lâm, Xuân Lộc, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2.
Sông Cầu nằm ở phía bắc tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 45 km về phía bắc, có vị trí địa lý: Phía đông giáp Biển Đông. Phía tây tựa lưng vào Trường Sơn và tiếp giáp huyện Đồng Xuân, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Phía nam giáp huyện Tuy An. Phía bắc giáp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Địa hình thị xã Sông Cầu đa số là đồi núi, xen kẽ một số đồng bằng nhỏ. Sông Cầu là địa phương có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh với đường bờ biển dài 89 km được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng như Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông. Trên địa bàn còn có một số bán đảo lớn như: Xuân Thịnh, Xuân Hải. Ngoài ra, còn nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp như: Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu….

Tuy có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông nhưng Phật giáo du nhập vào Sông Cầu tương đối trễ so với huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa, mặc dù rất gần với cái nôi trung tâm Phật giáo vào thế kỷ thứ XVII là tỉnh Bình Định. Để dễ hiểu hơn về tình hình Phật giáo Sông Cầu vào thời điểm mới du nhập chúng ta tạm thời chia Phật giáo Sông Cầu ra làm hai vùng:

Từ Dốc Găng trở vào giáp huyện Tuy An

Từ Dốc găng trở ra giáp tỉnh Bình Định

Vùng từ Dốc găng trở vào giáp huyện Tuy An, qua các tư liệu thì sự có mặt của ngài Liễu Diệu – Chánh Quang khai sơn chùa Triều Tôn (1804) là sớm nhất. Sau đó các chùa thuộc vùng Nam Sông Cầu bắt đầu hình thành như: chùa Long Sơn, chùa Thắng Quang, chùa Linh Sơn – Hóc Cát, chùa Lăng Nghiêm, chùa Từ Giác, chùa Phổ Quang, chùa Long Hải…. Các chùa ban đầu thuộc dòng kệ phái Thiên Đồng, nhưng đến đời thứ 38 thì chuyển sang dòng kệ phái Chúc Thánh, chỉ duy nhất chùa Long Hải được ngài Phổ Tịnh – Hải Đạt khai sáng là dòng phái Liễu Quán đời thứ 40, vào những năm trị vì vua Minh Mạng (1820 – 1840). Xem như vùng đất nam Sông Cầu không phải là duyên hóa độ của thiền phái Liễu quán. Cho nên, vào những năm thực dân Pháp đánh phá duyên Hải miền Trung thì chùa Long Hải bị cháy và không được phục hưng tại vùng đất phía nam này nữa. Sau đó, ngài Hải Đạt ngược ra vùng trung tâm Sông Cầu khai sơn chùa Long Quang ngày nay.

Chùa Triều Tôn nơi các bậc cao tăng thạc đức luôn xuất hiện

Vùng từ Dốc găng trở vào Phật giáo được các cao tăng thiền phái Chúc Thánh phát triển mạnh, mà trung tâm là chùa Triều Tôn. Nơi ngôi chùa này, các bậc cao tăng thạc đức luôn xuất hiện. Cho nên dân trong vùng thành tín Tam Bảo và quy y đông nhất huyện Sông Cầu. Điển hình như các ngài Liễu Diệu, Chương Tánh, Ấn Như, Chơn Hạnh, Liên Tâm, Thị Tín, Đồng Tiến…, ngoài ra còn có Liễu Ngộ(Long Sơn), Chương Tiến (Linh Sơn), Chương Thạnh (Long Sơn), Mật Hóa, Mật Ý (Thắng Quang)…. Các ngài đóng vai trò khá quan trọng trong việc truyền bá và phát triển đạo Phật trong vùng này. Nếu chúng ta đọc tiểu sử tổ sư Diệu Nghiêm thì có thể niên đại Phật giáo truyền vào Sông Cầu phải trước thời vua Gia Long (1802). Trong tiểu sử tổ sư Diệu Nghiêm có ghi: “Năm Mậu Thân (1788), ngài vào Phú Yên ngụ tại chùa Trùng Quang với đại sư Khánh Thông được một thời gian thì đại sư Khánh Thông viên tịch. Ngài ở tại đây hai năm và góp phần trùng tu lại chùa Trùng Quang”. Chùa Trùng Quang hiện nay tuyệt nhiên không có manh mối, do vị trí chùa được thay đổi liên tục qua các thời kỳ. Hiện nay huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu không có ngôi chùa nào là chùa Trùng Quang như trong tiểu sử tổ Diệu Nghiêm đã đề cập. Trong các bộ kinh khắc in vào thời đầu thế kỷ XIX cũng không thấy tên chùa Trùng Quang dù chỉ một lần. Chúng tôi có thể đưa ra hai giả thuyết như sau:

– Có thể danh xưng chùa Trùng Quang đã được đời sau thay đổi ?

– Có thể chùa Trùng Quang đã di dời và đổi tên ?

Chúng tôi cho rằng, có thể chùa Thắng Quang chính là chùa Trùng Quang năm xưa mà tổ Diệu Nghiêm cư ngụ, khi lần đầu tiên du hóa vào đất Phú Yên. Ngôi chùa Thắng Quang cũng khá gần chùa Từ Quang – Đá Trắng mà sau này tổ Diệu Nghiêm khai sơn. Trong thời gian chiến tranh chùa Thắng Quang bị hoang phế chỉ còn lại hai ngôi tháp, một ngôi còn bia ký, có thể đọc được là tháp của ngài Như Thừa đời thứ 41, tháp còn lại khá cổ xưa không xác định là của ngài nào. Trong các bộ kinh được khắc tại Phú Yên vào đầu thế kỷ thứ XIX thì chùa Thắng Quang xuất hiện khá nhiều, trong đó ghi: Thắng Quang tự Mật Ý đại sư. Trong Đại Phật Báo Ân kinh chú nghĩa thì chép một dòng “Thắng Quang tự Mật Ý đại sư cúng, Mật Hóa đại sư cúng”…. Như vậy, chùa Thắng Quang vào thời Minh Mạng là ngài Mật Ý trụ trì và hành đạo cùng thời có ngài Mật Hóa. Từ ngài Diệu Nghiêm đến đời ngài Mật Hóa thời gian chỉ vài chục năm, có thể chùa Trùng Quang đã đổi tên thành chùa Thắng Quang ngày nay.

Quang cảnh – chùa Thắng Quang

Một chi tiết nữa khá quan trọng có thể cũng cố thêm cho giả thuyết chùa Trùng Quang đã đổi tên thành Thắng Quang đó là chữ Trùng Quang giải nghĩa ra rất nhạy cảm với chính trị khi Gia Long lên ngôi (Trùng = phục hưng, Quang = Quang Trung. Nhưng chữ Trùng Quang theo nghĩa nhà Phật là lớp lớp ánh sáng). Thời đó vua Gia Long rất thù hận nhà Tây Sơn, sau khi lên ngôi đã có cuộc trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn. Vì thế, chùa Trùng Quang phải đổi tên để dễ bề truyền đạo.

Để cng cố thêm cho niên đại Phật giáo truyền vào vùng đất Sông Cầu trước thời Gia Long. Hiện nay tại chùa Lăng Nghiêm còn thờ long vị của ngài Tế Ấn– Huệ Chiếu. Ngài mất vào năm Mậu Thân (1788) trùng hợp với thời điểm tổ Diệu Nghiêm vào Phú Yên. Vì vậy việc phát hiện ra long vị ngài Tế Ấn– Huệ Chiếu đã làm lùi lại niên đại Phật giáo du nhập vào Sông Cầu sớm hơn những gì đã truyền khẩu. (Nhưng chùa Lăng Nghiêm, niên đại khai sơn chỉ rơi vào khoảng những năm đầu trị vì vua Minh Mạng. Vậy! long vị của ngài Tế Ấn chỉ có thể tị nạn chiến tranh từ một ngôi chùa nào đó trong vùng. Rất có thể là chùa Trùng Quang, vì xét theo niên đại của long vị đó, phải có trước khi Gia Long lên ngôi (1802).

Theo chúng tôi thì ngài Tế Ấn có thể là bổn sư của ngài Liễu Diệu, Liễu Căn, Liễu Năng, Liễu Ngộ, thuộc dòng kệ phái Thiên Đồng. Thêm một việc khá quan trọng, ngài Diệu Nghiêm ở lại chùa Trùng Quang hai năm và góp phần trùng tu ngôi tam bảo. Như vậy khi đại sư Khánh Thông viên tịch, tổ Diệu Nghiêm phải ở lại chùa Trùng Quang để truyền dạy Phật pháp cho bốn ngài chữ Liễu, rồi tiếp tục du hóa. Lại thêm chi tiết nữa, ngài Liễu Ngộ có pháp tự Vi Chơn, đây là cách đặt pháp tự chỉ Thiền phái Chúc Thánh mới có, vì tất cả đệ tử ngài Diệu Nghiêm đời thứ 37 đều lấy pháp tự chữ Vi. Như là ngài Vi Bảo,Vi Lương,Vi Cần…. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà thế hệ sau của phái Thiên Đồng được chuyển qua kệ thiền phái Chúc Thánh. Đó là do sức ảnh hưởng về hạnh giải tương ứng của tổ Diệu Nghiêm.

Tóm lại, Phật giáo truyền vào Sông Cầu có thể trễ hơn huyện Tuy An và Tuy Hòa nhưng chắc chắn phải trước thời Gia Long (1802), không phải đợi đến khi tổ Liễu Diệu- Chánh Quang khai sơn chùa Triều Tôn (1804) mới truyền Phật pháp vào nơi này.

Song song với thiền phái Chúc Thánh trở ra thì thiền phái Liễu Quán cũng được truyền vào khoảng năm đầu trị vì của vua Gia Long ở phía Bắc Sông Cầu. Vùng này được ngài Đại Thâm – Oai Đức đời thứ 37 dòng Liễu Quán khai sơn chùa Phước Long (Xuân Lộc) du nhập vào nhưng phát triển rất yếu ớt. Đến năm 1861, ngài Hải Đạt đời thứ 40 khai sơn chùa Long Quang. Năm (1885), tổ Hải Huệ – Trí Giác đời thứ 40 dòng Liễu Quán khai sơn chùa Thiên Thai, thì dòng thiền phái Liễu Quán mới phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

Ngài Hải Đạt đời thứ 40 khai sơn chùa Long Quang ngày nay

Các cao tăng thời đó thuộc dòng Liễu Quán đã từ chùa Thiên Thai truyền đạo ra ngoài tỉnh như: ngài Thanh Kế – Huệ Đăng (Bà Rịa – Vũng Tàu), ngài Thanh Chính – Phước Tường (Khánh Hòa), ngài Thanh Phước – Nguyên Long (Miền Nam)…. Các ngài đều có xuất thân hoặc cầu học với tổ Trí Giác tại chùa Thiên Thai vào đầu thế kỷ thứ XX. Bởi thế dân gian có câu ca dao muốn lên Đá Trắng ăn xoài, muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”. Hơn một thế kỷ, nhánh Thiên Thai hành đạo và phát triển rộng tại Sông Cầu, điển hình như các ngài: Thanh Kim, Từ Pháp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Bảo, Vĩnh Châu, Tâm Minh…. Các ngài đã thừa chí tổ nguyện truyền trao Phật pháp, có lúc xiển dương rực rỡ, có lúc âm thầm giữ lửa từ bi theo thời thế, để cho Phật pháp liên tục mạng mạch. Tại trung tâm Sông Cầu chỉ duy nhất ngôi chùa Xuân Long là theo thiền phái Chúc Thánh nhưng chỉ truyền được hai thế hệ. Vậy! Nhân duyên đã nói lên tất cả và giải thích cho sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Tại Xuân Thọ chỉ ngôi chùa duy nhất là chùa Long Hải thuộc thiền phái Liễu Quán nhưng sớm thất truyền, và được truyền ra trung tâm Sông Cầu đổi thành chùa Long Quang thì lại liên tục mạng mạch. Chùa Xuân Long thuộc thiền phái Chúc Thánh tại trung tâm Sông Cầu thì cũng sớm thất truyền và chuyển sang thiền phái Liễu Quán kế thế.

Những Phật sự quang trọng của Phật giáo Sông Cầu từ khi du nhập cho đến ngày hôm nay.

Năm 1836, ngài Chương Tánh – Quảng Nhuận, ngài Chương Tiến – Quảng Văn khắc Báo Ân kinh Chú Nghĩa.(bộ chú giải này là của tổ Diệu Nghiêm trước tác, được khắc mộc bảng và in ra thành 6 quyển 3 tập, được trân tàng tại chùa Triều Tôn).

Năm 1867, đại giới đàn lần đầu tiên tổ chức tại chùa Long Quang do tổ Bảo Tạng làm đàn đầu.

Năm 1908, giới đàn Trường Kỳ được tổ chức tại chùa Long Quang do ngài Trí Giác làm đàn đầu.

Năm Bính Thân 1896, ngài Huệ Hương tổ chức giới đàn tại chùa Triều Tôn do ngài làm đàn chủ.

Năm 1901, cũng ngài Huệ Hương một lần nữa tổ chức tại chùa Triều Tôn (ngài Thanh Khương – Phổ Nhuận chùa An Thành cung thỉnh đương vi tôn chứng).

Năm Bảo Đại thứ 14, chùa Long Quang được vua Bảo Đại ban sắc tứ.

Năm 1936, hòa thượng Phúc Hộ chứng minh khai sơn chùa Phật Học (nay là chùa Quảng Đạt, nơi chi hội Phật học Sông Cầu trong thời kỳ thành lập An Nam Phật học hội, các chi hội trưởng lần lượt là các cư sĩ như: Nguyễn Tử Trinh, Trần Đình Quán, Lê Văn Lào…).

Trong khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX, hai sư bà Tịnh Liên, Tịnh Ngọc khai sơn chùa Diệu Tịnh đặt nền móng cho Ni giới vùng đất Sông Cầu phát triển.

Thập niên 70, Trưởng lão Thích Giác Ninh khai sáng tịnh xá Ngọc Rạng, đặc nền móng cho hệ phái khuất sĩ phát triển ở đất Sông Cầu, cho đến nay đã có 3 cơ sở.

Giai đoạn 1945 – 1954 Phật giáo cứu quốc được thành lập, hòa thượng Huyền Quang phụ trách giảng sư cho các khóa học được mở tại các chùa: Thiên Thai, Linh Sơn (Hóc Cát)…, trợ giảng có hòa thượng Trí Thành, Phước Trí, Khế Tâm… . Đó là những Phật sự quan trọng của vùng đất Sông Cầu vào cuối thế kỷ XIX và thế kỷ thứ XX.

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Phật giáo Sông Cầu cũng như các địa phương khác, rất khó khăn về việc hành đạo và truyền đạo. Thập niên 80 cả huyện Sông Cầu chỉ có 4 vị Tăng và 2 vị Ni. Qua đến thập niên 90, Phật giáo Sông Cầu bắt đầu chuyển mình, tuy vẫn còn khó khăn về nhiều mặt nhưng cũng đã dần dần trùng tu tại các ngôi chùa đã bị hai cuộc chiến tranh tàn phá.

Năm 1985 chùa Triều Tôn được hòa thượng Phước Trí đại trùng tu. Đến năm 1995, chùa Thiên Thai trùng tu. Năm 1991, chùa Xuân Long được thượng tọa Quảng Đạo trùng tu và tiếp đến là chùa Phước Long, chùa Phước Điền, chùa Long Quang….

Đến đầu thế kỷ XXI, Tăng Ni các tỉnh bắt đầu về vùng đất Sông Cầu và được bổ nhiệm trụ trì các tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường. Phía bắc Sông Cầu các vức, niệm Phật đường đổi thành chùa lấy hiệu chữ Phước theo tổ đình Phước Long như Phước Lộc, Phước Xuân, Phước Khải, Phước Hải, Phước An, Phước Nguyên…. Từ đó, các ngôi chùa mà tiền thân là vức, niệm Phật đường ngày càng khang trang thịnh vượng về bề thế. Các vị Tăng Ni trẻ đầy nhiệt huyết đã dần dần tô bồi phạm vũ, chú tạo Hồng chung, tạo lập tôn tượng, góp phần làm cho các già lam có cảnh quang trang nghiêm tươi đẹp.

Ngày 28- 4 – 2018 chùa Triều Tôn vinh dự được giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn làm địa điểm đăng cai tổ chức lễ công bố quyết định công cử Ban trị sự lâm thời GHPGVN tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 đại đức Thích Nguyên Hòa được sự cố vấn của thượng tọa Thích Quảng Đạo, Ban Trị sự Phật giáo thị xã Sông Cầu đã quyết định dời văn phòng Ban Trị sự về chùa Sắc Tứ Long Quang và đã tổ chức thành công rực rỡ đại lễ Vesak 2019.

Ngoài ra, vùng đất Sông Cầu còn là nơi sinh trưởng các cao tăng hành đạo tại các tỉnh từ Trung vào Nam suốt hơn hai thế kỷ, tiêu biểu như các ngài: Tiên Thường – Viên Trừng (chùa Tam Thai – Đà Nẵng). Ngài Chương Tín – Hoằng Ân (chùa Linh Ứng – Đà Nẵng). Ngài Hải Nghiêm – Phước Nghi (chùa Linh Ứng – Đà Nẵng). Cả ba ngài là anh em ruột, sinh tại Long Bình Sông Cầu.

Ngài Ấn Thanh – Chí Thành (chùa Tam Thai – Đà Nẵng). Ngài Trí Hiển – Tâm Đăng (chùa Ba La Mật – Huế là sư huynh của hòa thượng Trí Thủ, cả hai ngài điều sinh trưởng tại thôn Long Bình). Ngài Hải Hội – Chánh Niệm (chùa Long Hòa – Vũng Tàu là bổn sư ngài Huệ Đăng).

Hơn 200 năm qua, vùng đất Sông Cầu kể từ khi Phật giáo du nhập và phát triển, các thế hệ trước đã Truyền Đăng thế hệ sau Tục Diệm để lại truyền thống và di sản Phật giáo làm rạng rỡ cho vùng đất Sông Cầu nói chung và Phật giáo Sông Cầu nói riêng.

Thế kỷ XX các hoà thượng xuất thân từ vùng đất Sông Cầu như: ngài Phước Bình, ngài Quảng Liên, ngài Quảng Hiển, … . Các vị là bậc tòng lâm thạch trụ để lại những thành tựu cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt.

Ngài Tiên Thường được vua Minh Mạng ban sắc trụ trì chùa Tam Thai – Đà Nẵng. Ngài Hải Hội – Chánh Niệm một trong những vị đưa Phật giáo du nhập về Vũng Tàu.

Ngài Phúc Hộ chuyên trì giới luật được tăng già cả nước kính nể và làm đàn đầu của nhiều đại giới đàn.

Ngài Hành Trụ chuyên dịch luật tạng và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Ngài Quảng Liên là vị có học vị tiến sĩ đầu tiên của Phật giáo. Ngài Trí Nghiêm là dịch giả lớn với công trình Đại Bát Nhã, được dịch từ chữ Hán ra chữ việt ròng rã suốt 16 năm.

Ngài Trí Thành là thạch trụ của Phật giáo Phú Yên, sau năm 1975.

Ngoài ra còn có ngài Chơn Thành, Nguyên Đạt, Nguyên An truyền pháp ra Hải ngoại.

​Đến năm 2022, Phật giáo Sông Cầu đã có trên 50 cơ sở tự viện, Hòa thượng 1 vị, Thượng tọa 5 vị, Ni trưởng 1 vị và gần 100 Tăng, Ni đang sinh hoạt.

​Nhìn chung Phật giáo Sông Cầu đã, đang phát triển rất ổn định và không ngừng vươn lên mạnh mẽ, góp phần làm tốt đạo đẹp đời dưới mái nhà chung của giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên.

Quảng Nhật/Phật giáo Sông Cầu ghi