Sắc Tứ Long Quang bình yên một vùng quê

Chùa đất tổ Dòng lịch sử VỀ NGUỒN

Đây chùa, đây Phật, đây mõ sớm chuông chiều định niệm

Đấy ruộng, đấy vườn, đấy làng trên xóm dưới an cư

Sắc Tứ Long Quang tự là một trong những ngôi chùa có niên đại lịch sử lâu đời nhất tại thị xã Sông Cầu.  Ngôi chùa nằm trong vùng quê còn giữ những cảnh tự nhiên mộc mạc, mang sự bình an đến với những người dân nơi đây cũng như các du khách thập phương.

Chùa Long Quang tọa lạc tại hướng Đông quốc lộ mới, khu phố Long Phước Đông, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Diện tích hơn 4000m2. Chùa quay mặt về hướng Bắc, trước mặt là cánh đồng “quýt”, sau được dựa lưng đồi đất đỏ.

 Chùa được khai sơn từ đời vua Tự Đức thứ 14 (1861), do Ngài Hải Đạt hiệu Phổ Tịnh dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 40, chùa được xây dựng mái tranh vách đất, lấy tên là chùa Long Phước.

Chùa Long Quang được trùng tu lần thứ I

Đến năm 1938, được vua Bảo Đại ban sắc tứ là chùa Long Quang; Đến năm 1940, chùa được trùng tu lần thứ I, do ngài Vĩnh Hòa hiệu Quảng Phát trùng tu. Ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ “Tam”, lợp ngói âm dương hình lá mái,theo kiến trúc thời Hậu Lê.

Đến năm 2001, do Tỳ kheo Thích Nguyên Tồn trùng tu chùa lần thứ II, theo kiến trúc hình chữ “Sơn”(山) và trụ trì cho đến ngày hôm nay. Chùa hiện nay là văn phòng BTS Phật giáo Thị xã Sông cầu.

Quang cảnh chùa Long Quang

Khi đặt chân trước cổng chùa, chúng ta bước lên 7 bậc tam cấp là tới cổng tam quan, một kiến trúc mang dáng vẻ cổ xưa. Phía trên cổng lợp ngói vảy cá, mái đao cong vút đã nhuốm màu thời gian, theo truyền thống Đình- Chùa người Việt.

Cổng Chính – Chùa Long Quang

 Vào không gian sân chùa, đầu tiên chúng ta sẽ chiêm ngưỡng tôn tượng Bồ tát Di Lặc lộ thiên với nụ cười hoan hỷ, thật đúng với câu:

Mặc cho trần thế cuộc đầy vơi

Vẫn dưng với một nụ cười vô duyên.

Chùa Long Quang - Sông Cầu
Tôn tượng bồ tát Di Lặc lộ thiên

Kế tiếp là sân chánh điện với tôn tượng Phật A Di Đà đứng trang nghiêm với bàn tay cứu độ. Sau khi chiêm ngưỡng những tôn tượng lộ thiên, chúng ta sẽ bước vào đại hùng Bảo điện.

Tôn tượng đức Phật A Di Đà
Chính Điện – Chùa Long Quang

Tại đây, còn lưu giữ những cổ vật pháp khí như Đại hồng chung được đúc vào đời vua Thành Thái năm thứ 9; trên Đại hồng chung còn khắc tên những Hoàng thân ban tặng. Ngoài ra, còn có trống sấm, mộc bảng, báo chúng, chuông gia trì,…. Và đặc biệt là ngạch bảng sắc tứ Long Quang tự do vua Bảo Đại ban vào năm thứ 14.

Bảng sắc tứ Long QuangTự

Phía sau chánh điện là gian thờ Tổ, nơi đang còn lưu giữ  tượng Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một tác phẩm nghệ thuật làm từ chất liệu đất bùn.

Gian thờ tổ –  chùa Long Quang

Trên bàn thờ Tổ còn có Long vị Tổ khai sơn và chư Tổ kế thế

  1. Tổ khai sơn: Lâm Tế đời thứ 40 Hải Đạt hiệu Phổ Tịnh
  2. Lâm Tế đời thứ 41 Thanh Kim hiệu Nguyên Chí
  3. Lâm Tế đời thứ 42 Trừng Thông hiệu Quảng Phát tự Vĩnh Hòa
  4. Lâm Tế đời thứ 42 Trừng Đăng hiệu Từ Pháp
  5. Lâm Tế đời thứ 43 Tâm Minh tự Truyền Chánh hiệu Liên Châu

Ngoài ra, trong gian thờ Tổ còn hai cặp đối cổ được làm bằng chất liệu gỗ cây dừa và gỗ gõ cẩm xà cừ:

“Thanh nhàn quan lý tham thiền vị

An lạc đường trung trượng Phật linh.”

Tạm dịch:

Việc quan khi rỗi tham đạo vị

Chốn thiền an lạc thừa Phật ân.

Và:

“Phạm vũ trang nghiêm không thị sắc

Diệu đế chơn giác quả nhi nhân.”

Tạm dịch:

Điện Phật trang nghiêm không mà sắc

Diệu đế chơn giác quả là nhân.

Bên cạnh ngôi đại tự là vườn tháp Tổ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đượm rêu phong, màu thời gian còn chưa phai sắc.

Tháp Tổ – Chùa Long Quang

Mặc dù trải qua những năm tháng thăng trầm của thời cuộc, nhưng, ngôi cổ tự Long Quang vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tại nơi đây cũng là nơi đào tạo tăng chúng bao đời đã hành đạo khắp nơi để duy trì mạng mạch Phật pháp. Sau các thời kì chiến tranh gian khổ, chốn tâm linh này cũng là nơi nương tựa tinh thần của bà con làng mạc thôn quê nơi đây.

Nếu ai có dịp, hãy đến nơi đây ghé thăm chùa sẽ cảm nhận được hương vị đồng quê và sự yên bình nhẹ nhàng thư thái trong tâm hồn của người lữ khách.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Tượng Thích Ca Phật Đài trên núi chùa Long Quang

Phật Giáo Sông Cầu – BBT