Thiên Thai Sơn Thạch tự – Ngôi tổ đình bị lãng quên

Chùa đất tổ VỀ NGUỒN

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá

Sư cụ nằm chung với khói mây

Chùa Thiên Thai là tên gọi tắt của Sơn Thạch Thiên Thai Tự. Chùa được tọa lạc tại thôn Long Phước, xã Xuân Lâm, Thị xã Sông Cầu. Sở dĩ, chùa có thêm chữ Sơn Thạch là vì nơi đây, ngày xưa dân trong vùng gọi là “xứ đá bàn”. Từ đường tránh Quốc Lộ men theo con đường làng về phía tây hai bên là đồng ruộng xanh mướt, xa xa là làng mạc thôn xóm. Thật giống như câu thơ thi vị của Phật Hoàng Trần Nhân Tôn trong bài “ Chiều vãn thiên trường

Thôn trước, thôn sau tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng vẳng sáo trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

Chùa nép mình dưới chân Hòn Dù, khung cảnh thanh u tĩnh mịch, được bao phủ bởi những rặng tre cao vút và vườn cây ăn trái, thật đúng với tên gọi Thiên Thai.

Cổng tam quan – chùa Thiên Thai

Đến chùa, đầu tiên, chúng ta sẽ gặp ngay cổng tam quan được phục dựng lại theo lối kiến trúc hai tầng ba cổng. Với hai câu đối:

Thiên thu ân đức tài bồi phước quả hướng tam quan

Thai thế tâm thành cảm hóa quần sanh quy giác lộ

Tạm dịch:

Thiên thu ân đức vun bồi phước quả hướng tam quan

Thai thế tâm thành cảm hóa chúng sinh về lối giác.

Qua khỏi cổng Tam Quan, chúng ta sẻ được đảnh lễ chiêm ngưỡng Tôn Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm với bình cam lồ trên tay và nhành dương cứu khổ.

Quang cảnh chùa Thiên Thai

Sau tượng Quan Thế Âm là ngôi chính điện, được xây dựng với kiến trúc cổ lầu, hai bên là lầu chuông, lầu trống mang dáng dấp vừa cổ xưa vừa hiện đại.

Trước chính điện là cặp đối:

Thiên thượng hương vân cái pháp giới

Thai bàn sơn thạch thỉnh thiền chung

Dịch:

Thiên thượng mây thơm trùm pháp giới

Thai bàn núi đá thỉnh chuông thiền.

Chính điện – chùa Thiên Thai

Bên trong chính điện trang trí ba ban thờ, chính giữa là Đại Hùng Bảo Điện, bên phải là gian thờ Tổ, bên trái thờ Quan Thánh. Bảo điện tuy giản đơn mộc mạc nhưng không kém phần trang nghiêm thanh tịnh. Trong chính điện còn bốn câu đối:

Cửu phẩm liên đài sư hống tượng minh đăng pháp giới

Tam Tôn sắc tướng long ngâm hổ khiếu xuất Thiên Thai

Tạm dịch:

Đài sen chín phẩm, sư[1] hống tượng kêu lên pháp giới

Sắc tướng Tam Tôn[2], long chầu hổ phục hiện Thiên Thai

Câu đối thứ hai:

Giáo hải tư chương thố giác trượng khiêu đàm để nguyệt

Thiền môn toại khải quy mao thằng phược thụ đầu phong

Dịch:

Biển pháp ngời sáng, lấy sừng thỏ khiều trăng đáy nước

Cửa thiền rộng mở, dùng lông rùa buộc gió đầu cây.

Ban đầu, chùa thuộc đất tộc họ, hiến cho hòa thượng Qui Trụ húy Tánh Thường, phái Lâm Tế, đời thứ 39, lập thảo am tu hành. Năm Đồng Khánh nguyên niên (1885), đệ tử hòa thượng Qui Trụ là ngài Trí Giác, húy Hải Huệ, chính thức khai sơn.

Chính tại nơi đây,  dòng Lâm Tế Liễu Quán được phát triển rực rỡ và là nơi đào tạo tăng chúng đi hoằng pháp khắp nơi. Như các ngài:

  1. Hòa thượng Thanh Kim, hiệu Nguyên Chí, trụ trì chùa Sắc tứ Long Quang.
  2. Hòa thượng Thanh An, hiệu Nguyên Phước, trụ trì chùa sắc tứ Thiên Tôn, Tuy An.
  3. Hòa thượng Thanh Chính, hiệu Nguyên Lộc, khai sơn chùa Thiên Phước, Sông Cầu.
  4. Hòa thượng Thanh Phước, hiệu Nguyên Long.
  5. Hòa thượng Thanh Luật, hiệu Trí Giác, thừa kế trụ trì chùa Thiên Thai (ngài là bổn sư của hòa thượng Trừng Hằng trụ trì chùa Phước Long ).

Trải qua thời gian chiến tranh, ngôi chùa bị tàn phá nặng nề. Tăng chúng di tản qua các tự viện khác. Khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, vào năm 1985, cụ Bà nguyễn Thị Liêm, cháu gọi hòa thượng Hải Huệ bằng bác ruột, trở về lại chốn củ, chùa chỉ còn lại nền móng và vài bức tường rêu phong đổ nát, hoang tàn. Cụ bà xuất tiền của vận động dòng họ trùng tu lần thứ nhất. Từ đó đến nay chùa là của tộc họ truyền thừa nhau. Đến năm 1995, chùa được đại trùng tu lần thứ 2, do cố sa di húy Quảng Đại, tự Bi Lượng. Giám tự hiện nay là sư cô pháp danh Ngọc Nguyện.

Ngôi chùa có mặt sớm nhất phía Bắc Phú Yên là chùa Triều Tôn, thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, trong khi đó thiền phái Liễu Quán chưa được truyền bá và phát triển tại đây. Chỉ khi được hòa thượng Hải Huệ đặt nền móng thì thiền phái này mới được truyền bá rộng khắp và lang tỏa cho đến tận ngày nay. Chư Tăng sau này của các chùa, chùa Phước Long, chùa Long Quang, chùa Phước Điền, chùa Xuân Long, chùa Thiên Phước đều là pháp tử, đồ tôn của hòa thượng Hải Huệ.

Bảng truyền thừa – chùa Thiên Thai

Theo những nguồn tài liệu, còn sót lại trong các tự viện thuộc môn phái Thiên Thai, ghi ngài Hải Huệ là họ Nguyễn, con thứ 5 trong một gia đình nho giáo, tại thôn Long Phước, Sông Cầu. Thuở nhỏ xuất gia, tu học với hòa thượng Quy Trụ húy Tánh Thường, được ban húy Hải Huệ. Lúc đó, hòa thượng Quy Trụ đang trú ở am tranh trong phần đất của gia đình Ngài (sau này là chùa Thiên Thai).

Thời gian sau đó, cơ duyên đã đến, hòa thượng Quy Trụ vào Tuy An khai sơn chùa Thiên Tôn. Ngài theo bổn sư vào đó để tu học. Sau được thọ giới cụ túc và  được mời về trụ trì chùa Hưng Thiện trong một thời gian. Ngài rất giỏi về ứng phú đạo tràng, danh tiếng đồn khắp nơi, vang ra cả ngoài tỉnh. Đến năm 1885, vùng Tuy An bị chiến tranh, chùa bị tàn phá nặng nề, Ngài về lại thôn Long Phước, khai sơn chùa Thiên Thai và trụ trì luôn tại đây.

Năm Thành Thái thứ 18 (1906), Ngài là một trong ba vị cao Tăng được vua mời ra kinh thành tham dự lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Kim Quang, Huế (hai Ngài còn lại là Ngài Pháp Tạng chùa Phước Sơn huyện Đồng Xuân; Ngài Pháp Hỷ chùa Linh Sơn Hòn Chồng huyện Tuy An ). Tại đây, Ngài làm Gia trì đàn chẩn tế. Sau khi hoàn mãn khóa lễ, vua ban thưởng cho ba vị và ôm hôn từng ngài. Đặc biệt riêng Ngài được vua ban tặng cho cái chén, trên thân chén được khắc bốn chữ “A Di Đà Phật”, phía dưới chén là chữ “Thiện”.

Chén vua Thành Thái ban tặng ngài Hải Huệ

Sau khi tham dự khóa lễ, Ngài trở về lại chùa Thiên Thai, tiếp tục hoằng dương Phật pháp và đào tạo Tăng chúng, cho đến năm 1908 thì viên tịch. Tháp được xây dựng dưới chân Hòn Dù, cách chùa Thiên Thai 500m.

Tháp tổ khai sơn – chùa Thiên Thai

Hiện nay, Long vị Ngài được nhiều chùa thờ vọng, như chùa Hưng Thiện, Tuy An; chùa Thiên Tôn, Tuy An; chùa Long Quang, Sông Cầu; chùa Xuân Long, Sông Cầu.

Sự hoằng dương phật pháp của Ngài đã góp một phần lớn của chư tăng thuộc phía Bắc Phú Yên. Do vậy mà người dân Phú Yên có câu ca dao:

Rủ lên Đá Trắng ăn xoài

Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì ”.

 Câu thơ trên chỉ cho món đặc sản của hai ngôi Tổ đình này, mà còn nói lên sự nổi tiếng của lịch đại cao tăng chùa Từ Quang Đá Trắng và chùa Thiên Thai Sơn Thạch. Hai ngôi tổ đình này tề danh với nhau và có những nét bản sắc riêng . Nếu như tông môn Tổ đình Đá Trắng chuyên chú dịch kinh điển (như các ngài Pháp Chuyên; ngài Toàn Nhật…), tu trì mật chú, kiến tạo giới đàn ( ngài Pháp Ngữ; ngài Chân Hành,…) dùng để độ sanh, thì chùa Thiên Thai là cái nôi của Ứng phú đạo tràng (như ngài Trí Giác, ngài Trừng Hằng, ngài Tâm Minh,…  ), các ngài dùng cách này để tiếp cận quần chúng và lần lần giáo hóa họ trở về với chánh pháp.

Nhưng sau này, bản sắc đó dần dần mất đi, việc hoằng pháp của các ngài có sự tương đồng qua lai, tông môn phái Chúc Thánh cũng ứng phú đạo tràng, như ngài Phước Ninh, …; ngược lại, phái Liễu Quán, cũng dịch thuật kinh điển, như ngài Trí Nghiêm,…

Mặc dù tất cả các pháp hữu vi đều như mộng như huyễn, nhưng vô thường cũng là thường. Chính quy luật này mà các pháp diệt rồi lại sinh, sinh rồi lại diệt, có rồi không, không rồi lại có. Thế nên Thiền sư Từ Đạo Hạnh có câu:

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Dịch:

Có thì có tự mãy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Nếu nói về Chân như, thì không có gì là hiện hữu, nhưng nói về pháp phương tiện thì không từ bỏ pháp nào, miễn là pháp đó đem lại lợi ích cho chúng sanh. Ứng phú đạo tràng tuy không phải là cứu cánh nhưng đó là phương tiện thiết thực để dẫn dụ chúng sanh về với Chân như. Điều đó được ngài Trí Giác vận dụng một cách xảo diệu. Cho đến nay, chùa Thiên Thai đã không còn diện mạo như xưa, tương ngọt cũng không còn, ứng phú đạo tràng cũng không người tiếp nối. Có còn chăng, ngôi tháp lưu giữ nhục thân của Ngài dưới chân núi, hướng ra đồng ruộng, tiếc thay cho một thời hưng thịnh đã qua.

Dưới đây là một số hình ảnh gởi đến bạn đọc:

[1] : sư tử

[2] Tam Tôn: chỉ cho đức Phật, bậc tôn quý trong ba cõi.

Phật GiáoSông Cầu – BBT