Bảo sơn cổ tự, cảnh đẹp thay
Vọng tiếng ngàn xưa, đến hôm nay
Tòng lâm thật xứng, danh thạch trụ
Đàn việt khắp nơi, qui chốn này.
(Thiền sư Pháp Lâm, PGSC dịch)
Ngày nay, Phật giáo Phú Yên đa số các ngôi tổ Đình cổ xưa, đều được trùng tu mang dáng dấp hiện đại. Chỉ duy nhất, ngôi cổ tự Bảo Sơn còn mang nét hoang sơ độc đáo. Nơi đây, ai đã một lần đến thăm ngôi Gìa Lam cũng đều chung một cảm nhận, thời gian hình như đứng yên, không trôi qua tại chốn này. Vì ngôi Tam Bảo đơn sơ mộc mạc, khung cảnh trầm mặc, cổ thụ bao quanh, tháp phủ rêu phong, cảnh người hoang vắng, như lạc vào trong khu rừng già.
Quang cảnh – Tổ đình Bảo Sơn
Để đến chùa, chúng ta theo tỉnh lộ Chí Thạnh – La Hai, rẽ trái theo con đường làng vào An Định, rồi đi tiếp trên con đường quanh co, vượt qua cánh đồng sẽ đến Chùa. Chùa Bảo Sơn tọa lạc tại thôn Phong Thăng, xã An Định (Tục danh gọi Đồng Tre Hạ), huyện Tuy An. Diện tích đất chùa khoảng 50.000m2.
Chùa được kiến tạo trên sườn núi, mặt hướng ra cánh đồng, sau lưng là rừng núi, phía Tây là dãy núi Kiều Ngựa, phía Đông Bắc là dòng sông La Hai uốn lượn đổ xuống cầu Ngân Sơn.
Nghi Môn cổ kính và con dốc nhỏ
Để lên chùa lễ Phật, chúng ta phải bộ hành trên một con dốc nhỏ, dài khoảng 100m. Đầu tiên, Nghi Môn cổ kính, sừng sững hiện ra trước mặt. Nghi Môn có tuổi đời hơn một thế kỷ, được xây dựng bằng vật liệu đá núi và vôi vữa. Với kiến trúc hai tầng, tuy không đồ sộ nhưng rất uy nghiêm. Trước Nghi Môn là bậc tam cấp được lát đá tổ Ong rất độc đáo.
Ngôi Chính Điện được xây dựng theo kiểu cổ xưa
Qua khỏi Nghi Môn là khoảng sân rộng được bài trí một vài cây kiểng đơn sơ. Đứng ở đây, chúng ta có thể ngắm toàn cảnh ngôi Chính Điện. Ngôi Chính Điện được xây dựng theo kiểu cổ xưa (lá mái), tương đối nhỏ hẹp.
Bảo Điện – Tổ đình Bảo Sơn
Bên trong Bảo Điện được tôn trí ba ban thờ, chính giữa là tôn tượng đức Bổn Sư, hai bên là tôn tượng bồ tát Quan Âm, và tôn tượng bồ tát Địa Tạng.
Đặc biệt trong Bảo Điện còn lưu giữ một chiếc đại Hồng Chung có tuổi đời hơn trăm năm, được thiền sư Pháp Lâm đúc tại Huế vào năm Thành Thái thứ 6, trên thân Chung có khắc bài Minh của thiền sư Pháp Lâm, ca ngợi cảnh đẹp chùa Bảo Sơn và đại lão hòa thượng Huệ Minh là Thạch Trụ chốn thiền môn.
Bảo Sơn thắng tích
Kim cổ linh thông
Thiền lâm trụ thạch
Đàn việt hưng sùng
Trượng bằng Phật lực
Cần tức đại công
Dục truyền cửu viễn
Vi chú kình chung
Kim thinh ngọc chấn
Điều lý thủy chung
Hưởng tai chung tự
Đinh đông vô cùng.
Dịch
Thắng tích Bảo Sơn
Xưa nay đều biết
Thạch trụ chốn thiền
Phật tử đông đúc
Nương nhờ Phật lực
Làm công đức lớn
Truyền lại đời sau
Tạo chiếc chuông đồng
Tiếng vàng tiếng ngọc
Diễn lí cổ kim
Vang thay chuông chùa
Ngân đến vô cùng.
(PGSC dịch)
Gian thờ Tổ – chùa Bảo Sơn
Phía sau đại hùng Bảo Điện là gian thờ Tổ, thờ Tổ Đạt Ma và long vị lịch đại cao Tăng.
Sau khi lễ Phật, lễ Tổ xong, chúng ta dạo bước, tham quan quanh Chùa. Đặc biệt phía sau chùa là rừng cây nguyên sinh được bảo tồn hàng trăm năm, mà chỉ nơi này mới có được.
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai.
Dịch:
Cây vút cao, nhật nguyệt như thấp lại
Mắt xa nhìn, trời đất bé làm sao.
Vườn Tháp nhấp nhô ẩn hiện trong cây lá với nhiều kích thước cao thấp khác nhau
Giữa rừng xanh thẩm, là vườn Tháp nhấp nhô ẩn hiện trong cây lá, tạo nên nét thâm u tĩnh mịch, linh thiêng. Đây là ngôi Chùa có nhiều Bảo Tháp nhất tỉnh Phú Yên với nhiều kích thước cao thấp khác nhau, được điêu khắc da dạng, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân.
Ngôi Tháp của đại lão hòa thượng Huệ Minh
Nổi bậc nhất trong vườn Tháp là ngôi Tháp của đại lão hòa thượng Huệ Minh. Ngôi Bảo Tháp được bảo tồn khá nguyên vẹn, đường nét điêu khắc tinh xảo, có gía trị lớn về mặt văn hóa nghệ thuật và cũng là ngôi Tháp cổ xưa lớn nhất Phú Yên.
Những cội thông trước Tháp
Vườn Tháp rêu phong cổ kính, nơi an nghỉ của lịch đại cao Tăng trải qua bao thế hệ. Chúng tôi nhìn những cội thông trước Tháp mà bóng các Ngài giờ đã đi đâu, lòng không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại bài thơ của thi sĩ Giả Đảo khi vấn an thiền sư học đạo.
Hạ tùng vấn đồng tử
Ngôn sư thê dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất kiến xứ
Dịch:
Dưới cội thông, tiểu đồng cho hỏi
Dạ rằng thầy hái thuốc quanh đây
Chỉ tại trong núi thẳm này
Mây dày giăng lối, bóng thầy nơi đâu.
(PGSC dịch)
Chùa Bảo Sơn được tổ húy Liễu Căn hiệu Thiện Đức dòng lâm tế đời thứ 37(dòng Thiên Đồng), khai sơn vào năm Gia Long thứ 2 (1804). Ngài là sư đệ của tổ Liễu Năng – Đức Chất (Khai sơn chùa Phước Sơn) và Liễu Diệu – Chánh Quang (Khai sơn chùa Triều Tôn (Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa rõ cả ba Ngài xuất gia với ai, nhưng trong Đại Phật Báo Ân Kinh Chú Nghĩa, do Ngài Chương Tánh – Quảng Nhuận, khắc mộc bảng ấn lót vào năm Minh Mạng thứ 17 thì có ghi Bảo Sơn Tự Thiện Đức hòa thượng trợ duyên, nhưng rất tiếc trong thời chiến tranh, long vị của Ngài Liễu Căn không còn, cho nên không xác định được năm sinh và năm mất của Tổ).
Ban đầu, Chùa chỉ là mái tranh, vách đất. Sau này, Chùa được sửa chữa thành lá mái khang trang. Qua hai cuộc chiến tranh ngôi Chùa bị bao lần thiêu hủy là bấy lần trùng tu. Sau ngày hòa bình lập lại thì hòa thượng Phước Ninh đại trùng tu lại, và có diện mạo như ngày hôm nay.
Trụ trì hiện nay là hòa thượng húy Đồng An tự Thông Hòa hiệu Viên Lâm.
Chùa Bảo Sơn được trải qua các đời trụ trì.
- Hòa thượng húy Liễu Căn hiệu Thiện Đức.
- Hòa thượng húy Đạt Minh hiệu Huệ Quang.
(Theo khảo sát của chúng tôi, dòng Thiên Đồng tại Phú Yên chỉ truyền đến đời thứ 38, cho đến chữ Đạt thì chấm dứt, rồi chuyển sang dòng Chúc Thánh, giống trường hợp chùa Triều Tôn, Phước Sơn, Bảo Sơn…)
- Hòa thượng húy Chương Như tự Tông Chí hiệu Huyền Ý.
Ngài Chương Như xuất gia tu học tại chùa Thiên Hưng với pháp danh là Đạt Như (chưa rõ bổn sư là vị nào). Khi bổn sư viên tịch, Ngài cầu pháp với hòa thượng Linh Nguyên tại chùa Từ Quang – Đá Trắng, nên chuyển sang dòng lâm tế chúc thánh. Sau Ngài về lại trụ trì chùa Thiên Hưng (Tuy An). Sau khi hòa thượng Đạt Minh viên tịch, chùa Bảo Sơn không người kế vị, nên sơn môn lập cử Ngài kiêm luôn trụ trì chùa Bảo Sơn (Căn cứ theo long vị còn thờ tại chùa Thiên Hưng thì hiệu của Ngài là Từ Ý, có thể hòa thượng Phước Ninh viết nhầm chữ Từ thành chữ Huyền).
Đệ tử thành danh của Ngài Từ Ý có hai vị là húy Ấn Đại hiệu Vạn Hạnh (Thừa kế Ngài trụ trì chùa Thiên Hưng) và Ngài Ấn Chánh tự Tổ Vũ hiệu Huệ Minh.
- Đại lão hòa thượng húy Ấn Chánh tự Tổ Vũ hiệu Huệ Minh.
Xuất gia tu học với hòa thượng Từ Ý tại chùa Thiên Hưng. Ngài được mời vào trụ trì chùa Linh Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Sau khi bổn sư viên tịch Ngài trở về thừa kế trụ trì chùa Bảo Sơn. Trong thời gian trụ trì, Ngài phát triển Sơn Môn rực rỡ, tiếp Tăng độ chúng rất đông, có nhiều vị thành danh vang tận Kinh Đô như:
- Ngài Chân Kim hiệu Pháp Lâm (Trụ trì chùa Châu Lâm, Phú Yên và Chùa Viên Thông, Huế).
- Ngài Chơn Tín tự Đạo Thành hiệu Pháp Hỷ (Trụ trì chùa Linh Sơn và chùa Từ Quang, Phú Yên).
- Ngài Chơn Thật hiệu Pháp Ngãi (Trụ trì chùa Từ Quang).
- Ngài Chơn Thành hiệu Pháp Ngữ (Trụ trì chùa Từ Quang).
- Ngài Chơn Hương hiệu Thiên Quang (Trụ trì chùa Linh Sơn, Khánh Hòa).
- Ngài húy Chơn Thiện hiệu Pháp Ngôn (Thừa kế trụ trì chùa Bảo Sơn).
- Ngài Chơn Đạo hiệu Pháp Tràng (Trụ trì chùa Thiên Hưng)
- Ngài Chơn Thường hiệu Pháp Hưng (Trụ trì chùa Liên Trì,Tuy An)
Đệ tử cầu pháp có các Ngài như:
Ngài Pháp Tạng trụ trì chùa Phước Sơn, Bảo Sơn. Ngài Pháp Thân trụ trì chùa Phước Huệ, Huế. Ngài Pháp Đăng trụ trì chùa Long Phước, Sông Cầu….
Ngài Huệ Minh viên tịch năm 1904 và Tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa Bảo Sơn.
Từ khi Tổ Diệu Nghiêm truyền dòng lâm tế Chúc Thánh vào Phú Yên. cho đến đời Ngài Huệ Minh thì dòng lâm tế Chúc Thánh mới phát triển rực rỡ nhất và có sự ảnh hưởng lớn cho Phật giáo Phú Yên phát triển sau này. Bồ tát thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân vào năm 1963 cũng là pháp điệt của Ngài Huệ Minh.
- Ngài húy Chơn Thiện hiệu Pháp Ngôn.
- Ngài húy Chơn Chánh hiệu Pháp Tạng.
(Tiểu sử Ngài được ghi rõ trong bài chùa Sắc Tứ Phước Sơn, Ngài trụ trì chùa Phước Sơn kiêm Bảo Sơn).
- Ngài húy Như Lý tự Giải Hòa hiệu Thiền Tôn.
- Ngài húy Như Đắc hiệu Thiền Phương.
(Tiểu sử Ngài được ghi rõ trong bài chùa Sắc Tứ Phước Sơn, Ngài trụ trì chùa Phước Sơn kiêm Bảo Sơn)
- Ngài húy Thị Niệm tự Hành Đạo hiệu Phước Ninh.
Ngài Phước Ninh sinh tại Triều Sơn, Xuân Thọ, Sông Cầu. Ngài xuất gia tu học năm 12 tuổi với hòa thượng Thiền Phương chùa Phước Sơn. Năm 1931, Ngài học tại Phật học đường gia giáo Tây Thiên, Ninh Thuận, do hòa thượng Trí Thắng và hòa thượng Phúc Hộ giảng dạy. Năm 1940, Ngài thọ Sa Di tại giới đàn chùa Thái Nguyên(Nam Kỳ). Năm 1947, Ngài thọ giới cụ túc tại chính chùa Bảo Sơn, do hòa thượng Vạn Ân làm đàn đầu, Ngài Phúc Hộ làm Yết Ma A Xà Lê, Ngài Trí Nghiêm làm giáo thọ. Từ năm 1945-1954, Ngài được cử làm chủ tịch Phật giáo cứu quốc huyện Đồng Xuân. Năm 1956, Ngài được cung cử làm hội trưởng Phật giáo huyện Tuy An. Năm 1957, Ngài được sơn môn cung cử trụ trì tổ đình Bảo Sơn kiêm trụ trì chùa Linh Sơn Hóc Cát. Năm 1961, Ngài đại trùng tu chùa Bảo Sơn. Sau năm 1968, do ảnh hưởng chiến tranh, Ngài di tản vào Sài Gòn, khai sơn chùa Từ Phong. Khi chiến tranh tạm lắng, Ngài trở về trụ trì chùa Cảnh Phước. Năm 1982, Ngài được GHPGVN tỉnh Phú Yên cử làm Chánh đại Diện Phật giáo huyện Tuy An. Vào năm 1995, Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Cảnh Phước. Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Cảnh Phước.
Ngôi tổ đình Bảo Sơn đã thừa kế xuất sắc và tiếp nối tổ đình Từ Quang truyền bá Phật pháp của dòng lâm tế chúc thánh.(Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tổ đình Phước Sơn là tổ đình quan trọng thứ 2 của dòng thiền chúc thánh sau chùa Từ Quang, nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì tổ đình Bảo Sơn quan trọng không kém. Phước Sơn chỉ phát triển vươn tầm ra khỏi tỉnh Phú Yên là đời Ngài Pháp Tạng, Thiền Phương. Còn tổ đình Bảo Sơn đã sớm phát triển mạnh mẽ nhờ các cao đồ của Ngài Huệ Minh). Nếu như thời kỳ đầu dòng lâm tế Chúc Thánh truyền vào Phú Yên thì tổ đình Từ Quang là cái nôi xuất hiện nhiều bậc cao Tăng; thế hệ thứ 2 sau tổ Diệu Nghiêm như các Ngài Toàn Thể, Toàn Nhật, Toàn Đức, Toàn Đạo…; đến thế hệ thứ 3 có các Ngài Chương Tánh, Chương Niệm, Chương Như, Chương Nguyệt (Khai sơn chùa Tây Thiền)…; thế hệ thứ tư có các Ngài như: Ngài Ấn Như, Ngài Ấn Đại….Đặc biệt có Ngài Ấn Chính – Huệ Minh là người xuất sắc nhất về việc kế vãng khai lai, tiếp Tăng độ chúng.
Ngài Huệ Minh đã tạo dựng ngôi chùa Bảo Sơn từ một ngôi chùa nhỏ không ai biết đến, trở thành ngôi tổ đình có sự ảnh hưởng lớn cho cả miền Trung và miền Nam.
Tại ngôi tổ đình Bảo Sơn được nhiều lần tổ chức đại giới đàn như:
- Năm 1933, do hòa thượng Vạn Ân làm đàn đầu, giới tử là hòa thượng Trí Nghiêm.
- Năm 1947, do hòa thượng Vạn Ân làm đàn đầu, giới tử là Ngài Phước Trí, Phước Ninh, Trí Thành, Huệ Thắng….
- Năm 1949, do hào thượng Vạn Ân làm đàn đầu.
Ngày nay, các ngôi chùa Phú Yên đều được trùng tu với dáng dấp qui mô đồ sộ. Chùa càng đẹp càng lớn thì người đi lễ chùa, du lịch, vãng cảnh càng đông, trong những ngày lễ lớn. Tuy ngôi chùa Bảo Sơn vẫn giữ lại nét cổ của ngày xưa, và ngôi Chính Điện chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng trong thâm tâm chúng tôi khi tìm hiểu về bề dày lịch sử ngôi chùa thì cảm thấy thật qui mô to lớn vô cùng. Chùa có lớn có đẹp đến đâu, rồi theo thời gian cũng bị tàn phá, nhưng giá trị lịch sử truyền bá Phật pháp nơi cổ tự này thì bất diệt với thời gian.
Nhìn chùa Bảo Sơn nhỏ nhắn đơn sơ, có mấy ai biết rằng, nơi đây đã ba lần tổ chức đại giới đàn, mặc dù chùa Bảo Sơn ngự ở nơi thâm sơn cùng cốc, đường xá đi lại khó khăn, ấy vậy mà đã bao lần vinh hạnh đón tiếp các đại lão hòa thượng chấn tích quang lâm về trú xứ, ban pháp, thí giới. Chính những giới đàn này, mà các Ngài đã trở thành sứ giả Như Lai, đem mạng mạch Phật pháp, truyền trao hậu tấn, trong thời cận đại, như các Ngài Trí Nghiêm, Trí Thành, Phước Trí, Phước Ninh, Huệ Thắng….
Các Ngài sau này đều là Thạch trụ chốn Tòng lâm, Long Tượng của Phật pháp, mà tuyển Phật Trường Bảo Sơn là nơi nâng bước các Ngài.
Ngài Huệ Minh du hóa truyền thiền phái lâm tế chúc thánh vào Vạn Ninh. Để rồi sau này, xuất hiện bồ tát thích Quảng Đức với trái tim bất diệt. Chính đại lão hòa thượng Huệ Minh, đã đào tạo ra thế hệ dòng lâm tế Chúc Thánh đời thứ 40, với các Ngài hiệu chữ Pháp. Các Ngài hiệu chữ Pháp là cầu nối của Phật giáo Phú Yên và xứ Huế, nổi tiếng nhất Ngài Pháp Lâm. Ngài truyền pháp ra Thuận Hóa xa xôi, mặt dù nơi đất thần Kinh là trung tâm Phật giáo thời đó. Với tuổi đời 30 và tài đức vẹn toàn, Ngài đã ra Huế đại trùng tu chùa Viên Thông, khắc Đại học chi thư tập yếu, lưu truyền và độ rất nhiều cư sĩ tại gia Hoàng Tộc, trong đó có Hoàng Thái Hậu với pháp danh Như Trạch. Sau khi Ngài viên tịch để lại sự tiếc thương cho đồ chúng chốn Kinh Đô, nên đã khắc bia đá tưởng niệm.
Tuổi ngoài ba mươi, quá rực rỡ
Hoằng pháp hai nơi, rõ thậm thâm.
Các Ngài pháp hiệu như: Ngài Bảo Vân, Bảo Tịnh, Bảo Chí, Bảo Thạnh…, lấy chữ Bảo như để nhắc nhở:
Khi hoằng Pháp khắp nơi, để hoài niệm Chùa xưa
Lòng tha thiết quê hương, khi nhớ về đất Tổ.
Chúng tôi đến thăm tổ đình Bảo Sơn để lễ Phật, Lễ Tổ, cả Tăng lẫn tục tâm hình khác nhau nhưng ai cũng chung một cảm niệm khi ngắm toàn cảnh ngôi cổ tự và cảnh vật nơi đây; thời gian trôi qua có thể thay đổi tất cả nhưng với ngôi cổ tự Bảo Sơn, thời gian hình như dừng lại, giống như hàng trăm năm trước.
Cổ tự đường xa khó tìm đến
Lối cũ chưa mờ dấu sơn Tăng.
(PGSC)
Mặc dù ngày nay, tổ đình Bảo Sơn không còn hưng thịnh như những thế kỷ trước, nhưng quy luật là vậy! thịnh suy, suy thịnh là bài pháp vô thường vọng lại, từ ngàn xưa của lịch đại cao Tăng. Mạng mạch Bảo Sơn nay đã phát triển khắp nơi, từ đất Thần Kinh cổ kính đến tận chốn Sài Thành đô hội, mà chùa Bảo Sơn là nơi ươm mầm Bồ Đề cho các sứ giả Như Lai.
Chúng tôi từ biệt trở về, bước chân xuống bậc tam cấp, lúc ánh tà dương đang tắt dần, nhìn lại phong cảnh ngôi cổ tự trầm mặc nơi rừng thẳm vẫn còn đó, mà các cao Tăng đã vào cõi Niết Bàn, lòng bùi ngùi nhưng cũng tự an ủi.
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.
Dịch:
Bạn hỡi đừng thương, khi tiễn biệt
Non nước trước chùa, đó chân thân.
(Đoàn Văn Khâm – PGSC dịch)
Dưới đây là một số hình ảnh ghi được trong chuyến viếng thăm chùa:
Phật Giáo Sông Cầu – BBT