“Trong những năm qua hoạt động tôn giáo ở Phú Yên nói chung đã có những chuyển biến tích cực góp phần vào việc phát triển kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được đảm bảo, sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo được tiến hành bình thường, tuân thủ pháp luật; nhu cầu của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được giải quyết kịp thời, thỏa đáng như: Trùng tu, sửa chữa cơ sở thờ tự, đào tạo, phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, nhà tu hành và những hoạt động tôn giáo đúng theo Hiến chương, Đạo quy của đạo và pháp luật của Nhà nước”, đây là tâm sự của ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh.
Hoạt động tôn giáo ở Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực
Tỉnh Phú Yên hiện có 05 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo và một số tôn giáo khác như: Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Tổng số tín đồ các tôn gáo có khoảng 294.346 người, chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh, trong đó: Phật giáo có khoảng 268.573 người, 396 chức sắc, nhà tu hành; Công giáo khoảng 17.347 người, 34 linh mục; Tin lành khoảng 4.103 người, 8 mục sư, mục sư nhiệm chức, 18 truyền đạo tình nguyện trong đó riêng tín đồ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có khoảng 3.053 người, thuộc các hệ phái Tin lành khác có 1.050 người; Cao đài có khoảng 3.846 người, có 36 chức sắc; Phật giáo Hòa Hảo khoảng 121 người, có 4 chức việc; các tôn giáo khác có khoảng 356 người.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo của tỉnh, Ban Tôn giáo cùng với Sở, Ban ngành liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo bám sát địa bàn, xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt ở cơ sở, vận động các tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc, già làng hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ngăn chặn việc truyền đạo trái phép ở các địa phương, cơ sở của tỉnh, đồng thời vận động các tín đồ tôn giáo cùng giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới, tham gia phong trào xây dựng làng văn hóa ở khu dân cư, tạo không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế bền vững hơn.
Để phong trào thực sự đem lại hiệu quả và thiết thức, cơ quan quản lý nhà nước và đoàn thể xã hội tỉnh Phú Yên cùng phối hợp vận động người đứng đầu các tổ chức tôn giáo tích cực hưởng ứng, thực hiện và hướng dẫn tín đồ của mình nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội. Ông Nguyễn Tấn Tuyến cho biết thêm, địa phương có những cách làm đã đạt được kết quả ngoài mong đợi như: Các cấp chính quyền đều thông qua mặt trận cùng cấp và người đứng đầu các tổ chức tôn giáo triển khai, phát động, tạo phong trào thi đua, tạo sự gắn bó hòa hợp dân tộc, lương giáo đoàn kết, cùng góp phần với nhà nước và toàn dân chăm lo cuộc sống con người; Vận động các tín đồ tôn giáo giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới; tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điển hình nhất trong các phong trào xây dựng quê hương là hoạt động từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh. Cụ thể nhân dịp những ngày lễ trọng của tôn giáo, ngày tết cổ truyền của dân tộc, những cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính tri, xã hội trong việc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, người già neo đơn, trẻ em tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện,… các tổ chức tôn giáo đều tham gia tích cực.
Ví dụ như hoạt động từ thiện của đạo Phật, những năm qua Ban từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh đã vận động các phật tử, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh đóng góp vào hoạt động từ thiện xã hội được trên 5,6 tỷ đồng. Số tiền hảo tâm đã giúp đỡ người già neo đơn ở Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh; giúp đỡ những trẻ em tàn tật, chất độc da cam ở xã Xuân Lộc, thị xã sông Cầu; cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, hạn hán, bão lụt và đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa; đóng góp ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ giúp trẻ em khuyết tật Trường khuyết tật miền núi tỉnh Phú Yên, Trung tâm vòng tay ấm thành phố Tuy Hòa, nhà trẻ tàn tật Gò Dúi, thị xã Sông Cầu. Đặc biệt, Ban từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh đã hướng dẫn 57 đoàn đến các nơi bị thiệt hại để cứu trợ với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng giúp người dân qua cơn bão số 9 năm 2009. Đồng thời, được sự chấp thuận của Sở Y tế Phú Yên cho phép tổ từ thiện thành phố Tuy Hòa tổ chức bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh từ năm 2004, nhằm giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo ngày 2 suất ăn (trưa, chiều) mỗi buổi từ 100 -150 suất. Ngoài ra còn hỗ trợ bệnh nhân nghèo tiền mua máu, tiền thuốc để điều trị bệnh, mời bác sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh ra khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho nhân dân các xã miền núi.
Hoạt động từ thiện của đạo Công giáo ở Phú Yên nổi bật nhất là cơ sở dòng tu Phao lô ở phường 2, thành phố Tuy Hòa đã tổ chức được “nồi cháo tình thương” tại khoa nhi, khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, giúp đỡ bữa ăn sáng khoảng 150 suất/ngày cho người nghèo bị bệnh, trị giá 36 triệu đồng từ năm 2004 đến nay. Các giáo xứ Sông Cầu, Sơn Nguyên đã tham gia về công tác từ thiện nhân đạo thông qua tổ chức chính trị xã hội, hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, chính quyền địa phương như: Giúp xóa nhà tạm cho 5 hộ nghèo ở xã Sơn Nguyên và các trường hợp bị tai nạn, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, học sinh nghèo…
Từ năm 2005 đến nay, những việc làm từ thiện của hội thánh Tin lành tỉnh Phú Yên cũng đã tham gia như: Hỗ trợ cho các hộ nghèo bị hạn hán ở huyện Tuy An và Sông Cầu 400 suất quà, mỗi suất trị giá 100.000 đồng; Hỗ trợ đào 40 giếng nước cho các hộ nghèo ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu, mỗi giếng từ 3 đến 5 triệu đồng; Xây 30 nhà vệ sinh, mỗi nhà vệ sinh khoảng 1,5 triệu đồng; Sửa chữa, xây dựng 10 nhà ở, mỗi nhà từ 8 đến 10 triệu đồng; Hỗ trợ quỹ người nghèo khu phố 6, phường 2 số tiền 5 triệu đồng, làm công tác từ thiện cho bệnh nhân nghèo mỗi tuần 100 tô cháo tình thương…
Từ năm 2001 đến nay, Ban cai quản thánh thất Cao đài Chơn lý – họ đạo Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa đã tham gia công tác xã hội từ thiện nhân đạo như: Ủng hộ đồng bào bị bão lụt, ủng hộ quỹ người nghèo của xã Hòa An, ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền trung … hàng chục triệu đồng.
Chính nhờ công tác phối hợp, vận động, tuyên truyền của hệ thống các sở, ban, ngành có liên quan về tôn giáo đã khích lệ được các phong trào của tổ chức tôn giáo ngày càng có hiệu quả. Qua đó giúp chức chức sắc, tín đồ các tôn giáo và người dân trong tỉnh hiểu rõ chính sách của Đảng và nhà nước, phấn khởi, tạo niềm tin, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Đây cũng chính là những dịp tạo mối quan hệ giữa chức sắc, chức việc và chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội các cấp đồng thuận, tích cực trong giải quyết, xử lý công việc tôn giáo và liên quan đến tôn giáo được thuận lợi hơn, đảm bảo thấu tình, đạt lý, góp phần ổn định tình hình, có tác dụng to lớn trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Phú Yên ngày càng giàu đẹp.
Thanh Thúy