TỔ ĐÌNH SẮC TỨ PHƯỚC SƠN – NƠI TÔNG PHONG VĨNH CHẤN

Chùa đất tổ VỀ NGUỒN

Thành xây nghìn bậc trên xa

Ngôi chùa ven núi nhô ra giữa đồng

Tìm đâu Huệ Nhãn sư ông

Am bia thăng phủ rêu phong vẫn còn.

(cụ Tam Nguyên Yên Đỗ)

Chùa Phước Sơn là một ngôi Tổ đình có bề dày lịch sử trên 200 năm, nơi đây đã xuất hiện các bậc cao Tăng thạc đức, có sự ảnh hưởng to lớn trong việc truyền bá Phật pháp trong và cả ngoài tỉnh. Thật hiếm có ngôi Tổ đình nào mà mạng mạch Phật pháp, được truyền thừa liên tục trên hai thế kỷ, không gián đoạn như ngôi cổ tự này.

Theo đường tỉnh Lộ, nối liền huyện Đồng Xuân với thị xã Sông Cầu, dưới chân đèo Cây Cưa về phía Nam, đến cổng thôn văn hóa Tân Phước, men theo con đường làng khoảng 500m, du khách sẽ thấy ngôi Tổ đình ẩn hiện trong rừng cây xanh, đứng uy nghiêm trên sườn đồi.

Tổ đình Phước Sơn ẩn hiện trên sườn đồi

Tổ đình Phước Sơn tọa lạc tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Diện tích đất chùa khoảng 5000 m2.

Bậc tam cấp được lót đá núi rất công phu đã có từ ngày xưa của Tổ đình Phước Sơn

Để lên chùa, du khách sẽ vượt qua nhiều bậc tam cấp được lót đá núi rất công phu đã có từ ngày xưa. Bước chân trên những bậc tam cấp dẫn lên chùa, chúng tôi chợt nhớ đến ngày xưa, vua Lê Thánh Tông có lần đi vãng cảnh chùa, đã cảm tác bài thơ lưu truyền hậu thế.

Chùa cũ hoan sơ đã nữa phân

Cửa thiền sư cụ dắt lên thăm

Dể dàng thầy vượt qua bờ giác

Vất vả tôi đi giữa cõi trần

Vằng vặc ngũ viên không sắc tướng

Ngời ngời lục độ tỏ thâm tình

Cuối đầu phải trái nay bừng tỉnh

Trân trọng nhà sư chẳng thuyết phân.

Chùa Phước Sơn tọa lạc giữa lưng chừng núi Phú Mỹ, trong khoảng đất nhỏ hẹp, mặt hướng ra Nam, phía trước là cánh đồng lúa (dân địa phương hay gọi là Đồng Tròn), xa xa là con sông cái La Hai chảy xuống cầu Ngân Sơn, rồi đổ ra biển Đông.

Buổi sáng sớm, chúng tôi đứng trên chùa nhìn xuống phía đồng ruộng, thấy sương mù bao phủ, tỏa lên từ con sông lớn, làm cho ngôi chùa thêm phần u tịch linh thiêng. Đứng ở nơi đây, chúng tôi nhớ lại ngày xưa khi Tổ khai sơn đặt chân đến nơi này, kiến tạo thảo am để tu hành, làm bạn với mây trời. Thật là:

Trên ngàn đỉnh núi, một gian nhà

Một nửa cho mây, một nửa ta

Đêm rồi gió thổi, mây bay mất

Còn lại mình ta, ta với ta.

(Tuệ Sỹ)

Quang cảnh – Tổ đình Phước Sơn

Đến chùa, du khách sẽ gặp khoảng sân nhỏ với nhiều loại cây cảnh rất đẹp. Ở nơi đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa. Tổ đình Phước Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu mái đao, tuy không nguy nga đồ sộ nhưng lại mang nét đẹp duyên dáng mộc mạc của vùng quê thanh bình. Trước chùa có hai câu đối:

Phước địa khởi liên đài hiền thánh nhân thiên triêm thụy khí

Sơn môn huyền tuệ cự đông tây nam bắc mộc tường quang.

Dịch:

Phước địa sanh hoa sen, hương lành thơm cả trời người

Sơn môn treo đuốc tuệ, ánh sáng tỏa khắp bốn phương.

Bảo Điện – Tổ đình Phước Sơn

Bước vào bên trong Bảo Điện, du khách chiêm bái đức Thế Tôn đang tọa ngự trên đài sen, sau lưng Ngài là cội Bồ Đề, được nghệ nhân vẻ rất sinh động. Hai bên là tượng bồ tát Quan Âm và tượng bồ tát Địa Tạng.

Tượng Phật A Di Đà bằng đồng có tuổi trên 100 nămChiếc đại Hồng Chung – chùa Phước Sơn

Trong Bảo Điện chùa Phước Sơn vẫn còn lưu dữ một số cổ vật như: tượng Phật A Di Đà bằng đồng có tuổi trên 100 năm, đại Hồng Chung đúc vào năm Thành Thái thứ 9, trên thân Chung còn khắc tên Hoàng Thái Hậu và Hoàng Gia ban cúng.

Gian thờ Tổ – chùa Phước Sơn

Phía sau Bảo Điện là gian thờ Tổ, thờ bức họa Tổ Đạt Ma và long vị của lịch đại cao Tăng.

Tổ đình Phước Sơn được ngài Liễu Năng, hiệu Đức Chất, khai sơn vào năm 1802. Ban đầu Chùa chỉ là  Am Tranh vách đất được Tổ kiến tạo lên để tu hành. Đến năm 1836, chùa được Ngài Quảng Thiện trụ trì đời thứ 2, trùng tu khang trang vào thời điểm đó. Ngôi chùa trải qua bao đời được kiến tạo và trùng hưng nhiều lần. Vào năm 1960, được hòa thượng Phước Trí trùng tu lại, thời gian hoàn thành ngôi chùa chưa được bao lâu thì chiến tranh xảy ra. Đến năm 1965, Chùa bị máy bay ném bom sụp đổ gần như toàn bộ, hòa thượng cùng Tăng chúng tạm lánh về chùa Triều Tôn. Sau năm 1975, Đất Nước hoàn toàn thống nhất, cho đến năm 1992, cơ duyên thuận lợi hòa thượng Phước Trí đại trùng tu lại ngôi chùa, lần này có phần khang trang đẹp đẽ và có diện mạo như ngày hôm nay.

Tổ đình Phước Sơn được trải qua bảy đời trù trì.

  1. Tổ húy Liễu Năng hiệu Đức Chất.

Tổ húy Liễu Năng, hiệu Đức Chất, phái Lâm Tế đời thứ 37, khai sơn chùa Phước Sơn vào niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802). Ngài là sư huynh của ngài húy Liễu Diệu, khai sơn chùa Triều Tôn và ngài Liễu Căn khai sơn chùa Bảo Sơn. Ban đầu ngôi Chùa chỉ là một thảo am được Tổ dựng lên tu hành. Với tài năng và đức độ, Ngài cảm hóa quần chúng lần lần qui thuận rất đông, trong đó có Gia Tộc họ Bùi. Về sau Gia Tộc họ Bùi có người con đi tu và được Tổ Liễu Năng nhận làm đệ tử, sau đó được thừa kế ngôi Tổ đình Phước Sơn đời thứ 2. Tổ ở đây cho đến ngày viên tịch. Tháp Tổ được xây dựng trong khuôn viên chùa.

Tháp Tổ khai sơn chùa Phước Sơn

  1. Hòa thượng húy Chương Từ tự Tông Trực hiệu Quảng Thiện.

Ngài Quảng Thiện họ Bùi, sinh năm Canh Ngọ (1810) tại thôn Hà Bình, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài là con trai duy nhất của gia đình có bốn người con. Năm 18 tuổi, nhân một hôm đến viếng thăm chùa Phước Sơn, Ngài nghe được Phật lý và cảm mến đạo phong của Tổ nên Ngài bèn xin xuất gia học đạo. Bổn sư Ngài gởi đi tu học với hòa thượng Toàn Đạo hiệu Viên Đàm, chùa Đức Xuân (nay là chùa Châu Lâm Tuy An). Nên Ngài lấy theo pháp danh của dòng kệ Thiền Phái Chúc Thánh. Ngài được bổn sư cho thọ cụ túc với pháp danh Chương Từ, tự Tông Trực. Sau khi Tổ Liễu Năng viên tịch, Ngài thừa kế trụ trì chùa Phước Sơn đời thứ 2. Kể từ khi đảm nhận trú trì, Ngài hết lòng trùng kiến Tam Bảo. Vì thế, vào năm minh mạng thứ 17, Bính Thân (1863), Ngài tái lập Chánh Điện kiến tạo Đông lang Tây lang Chùa Phước Sơn nguy nga tráng lệ thời điểm đó.

Ngài Quảng Thiện nghiêm trì giới luật, Phật học thâm uyên, nên được chư Tôn đức trong tỉnh đã cung thỉnh làm Giáo thọ hòa thượng trong đại giới đàn tổ chức tại chùa Lăng Nghiêm, xã Xuân Thọ. Hòa thượng viên tịch vào ngày 12 tháng 11 năm 1864 . Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Phước Sơn.

Tháp Ngài Quảng Thiện

  1. Hòa thượng húy Ấn Thiên tự Tổ Hòa hiệu Huệ Nhãn.

Hòa thượng sinh năm Canh Tý (1840) tại tỉnh Phú Yên, xuất gia và đắc pháp với Tổ Quảng Thiện (tổ thứ 2 chùa Phước Sơn). Ngài được bổn sư phú pháp truyền y kế thừa làm trú trì đời thứ 3 chùa Phước Sơn. Từ đó, Ngài tái thiết già lam, tạo Tượng đúc Chuông và tiếp Tăng độ Chúng.

Năm 1876, Ngài cùng với hòa thượng Huệ Hương trú trì chùa Triều Tôn chứng minh cho Ngài Chơn Khả, tự Đạo Thủ, hiệu Thiện Tường trú trì chùa Phước Quang, huyện Đồng Xuân, tổng Xuân Đài, xã Bình Thạnh, đúc Chuông và chiếc Chuông này hiện nay, vẫn còn tại chùa Phước Sơn.

Ngài Huệ Nhãn là bậc giới luật tinh nghiêm, Phật học uyên thâm, là một danh Tăng thời bấy giờ. Vào năm 1878, Ngài được cung thỉnh làm giáo thọ A – xà – lê tại đại giới đàn chùa Hồ Sơn (Tuy Hòa). Đến năm 1882, Ngài lại được cung thỉnh làm giáo thọ A – xà – lê tại đại giới đàn chùa Bảo Sơn (Tuy An).

Sau khi Thiền sư Ấn Từ – Huệ Viễn viên tịch, Ngài được Tông môn cung thỉnh trụ trì chùa Từ Quang – Đá Trắng. Trong thời gian trụ trì, Ngài nhận thấy con đường từ Quốc Lộ lên đến cổng chùa quá chật hẹp, không thuận tiện cho việc đi lại trong những ngày lễ lớn. Ngài vận động tín đồ, tu sửa lại con đường, cho mở rộng thêm ra và lát đá núi thành bậc tam cấp kiên cố. Công trình này được Ngài làm trong thời gian khá dài, rất công phu nặng nhọc, vì phải vận chuyển đá từ nơi xa đến, nên công việc rất lâu mới hoàn thiện. Con đường đá lên chùa Từ Quang – Đá Trắng ngày nay vẫn còn đó, để cho khách thập phương đến thăm và thán phục công sức, ý chí của người xưa để lại.

Con đường đá lên chùa Từ Quang được làm ngày xưa

Trong thời gian trụ trì chùa Phước Sơn và kiêm trú trì chùa Từ Quang, Ngài mặc dù Phật sự đa đoan nhưng vẫn dành thời gian tiếp Tăng độ chúng, đào tạo Tăng tài. Trong số đệ tử Ngài có các vị nổi danh như: Ngài Pháp Tạng, thừa kế trụ trì chùa Phước Sơn là cao Tăng nổi tiếng đương thời; Ngài Pháp Thân (Hoàng Tử dòng Túy Lý Vương), xuất gia tu học với Ngài Huệ Nhãn tại chùa Từ Quang. Sau này, Ngài Pháp Thân trở về Thuận Hóa khai sơn ngôi chùa Phước Huệ tại thôn Vĩ Dạ (ngôi chùa được lấy chữ Phước theo Tổ đình Phước Sơn, chữ Huệ lấy theo hiệu của ngài Huệ Nhãn). Ngài Pháp Thân thường thỉnh hòa thượng Huệ Nhãn và chư huynh đệ đồng môn ra Huế hoằng pháp. Trong đó có các ngài như: Ngài Pháp Tạng, Ngài Pháp Lâm (trụ trì chùa Châu Lâm), Ngài Pháp Đăng ( trụ trì chùa Long Phước), Ngài Pháp Hỷ (trụ trì chùa Linh Sơn Hòn Chồng), Ngài Pháp Ngãi và Ngài Pháp Ngữ (trụ trì chùa Từ Quang – Đá Trắng). Ngài viên tịch vào ngày 5 tháng 4 năm ..?. Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa.

Tháp Ngài Huệ Nhãn

  1. Hòa thượng húy Chơn Chánh tự Đạo Tâm hiệu Pháp Tạng.

Hòa thượng Pháp Tạng xuất gia tu học với tổ Huệ Nhãn và thừa kế trụ trì chùa Phước Sơn đời thứ 4. Ngài dành nhiều thời gian tinh cần tu học, nghiêm trì giới luật, tiếp Tăng độ chúng, nên được chư Tăng và thiện tín thập phương ai cũng ngợi khen và mến mộ. Hòa thượng là một trong những vị danh Tăng thời cận đại của Phật giáo Phú Yên. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được năm sinh, năm tịch, quê quán dòng họ của ngài. Chúng ta chỉ biết Ngài là đệ tử của tổ Huệ Nhãn (tổ thứ 3 của Tổ đình Phước Sơn), nên có húy Chơn Chánh, tự Đạo Tâm.

Sau khi ngài Huệ Nhãn viên tịch, Ngài cầu pháp với hòa thượng húy Ấn Chánh, tự Tổ Tông, hiệu Huệ Minh tại chùa Bảo Sơn (Tuy An) nên có pháp hiệu là Pháp Tạng.

Vào năm 1893, Ngài được cung thỉnh làm Yết – ma – a – xà – lê tại Đại giới đàn Tổ đình Chúc Thánh Quảng Nam. Năm 1899 và năm 1900, Ngài được vua Thành Thái mời ra Kinh Đô làm thủ gia trì chẩn tế đại khoa tại chùa Kim Quang – Huế. Nhà vua rất quý mến Ngài và ban cho rất nhiều lễ vật như: Đồng Kim Tiền, một Ca Sa và một Mũ Quan Âm.

Năm 1897, Ngài ra Huế hóa duyên và chú nguyện đúc Đại Hồng Chung, hiện nay vẫn còn lưu giữ tại chùa Phước Sơn.

Năm 1904, hòa thượng Huệ Minh viên tịch, Ngài theo di chúc thừa kế trụ trì chùa Bảo Sơn.

Năm Bính Ngọ (1906), Ngài được cung thỉnh làm đường đầu hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Từ Quang. Đến năm 1907, Ngài thiết lập Đại giới đàn tại chùa Phước Sơn. Cũng trong năm này, Ngài truyền chức vị trụ trì chùa Phước Sơn cho Ngài Thiền Phương (đệ tử ngài Pháp Tạng còn có ngài Thiền Tâm, ngài Thiền cơ…)

Ngài viên tịch ngày 18 tháng 8 năm…?. Tháp Ngài được xây dựng tại khuôn viên chùa.

Tháp Ngài Pháp Tạng

  1. Hòa thượng húy Như Đắc tự Giải Tường hiệu Thiền Phương.

Ngài họ Dương, sinh năm 1879 tại thôn Phong Thăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia năm 7 tuổi, với Tổ Pháp Tạng tại chùa Phước Sơn Đồng Tròn và được ban húy Như Đắc. Năm Mậu Tuất (1890), Tổ Pháp Tạng cho Ngài thọ cụ túc giới. Sau khi đắc giới, Ngài luôn phát tâm dõng mãnh, chuyên tâm tu hành, nghiêm trì giới luật. Năm 1907, Ngài thừa kế bổn sư trụ trì chùa Phước Sơn đời thứ 5. Ngài kiến văn quảng bát, giới hạnh oai nghiêm nên được Tăng chúng và Phật tử Tôn xưng là “Cụ Nhãn Tôn Sư”.

Trong giai đoạn phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài cùng chư Tôn đức mở các trường gia giáo để đào tạo Tăng tài thừa kế. Năm 1937, do cảm mến uy đức của Ngài nên Hội Phật học Thừa Thiên Huế cung thỉnh ngài làm chứng minh đạo sư. Ngoài việc trú trì hai ngôi Tổ đình Phước Sơn và ngôi Tổ đình Bảo Sơn, Ngài còn đào tạo rất nhiều Tăng tài khả kính cho Phật pháp, có thể nói ít có vị hòa thượng nào trong tỉnh nhà, mà nhiều đệ tử thành danh như ngài. Trong số này có 12 vị, pháp hiệu chữ Bảo như: Bảo Vân, Bảo Chí, Bảo Thạnh…, có 8 vị pháp hiệu chữ Phước như: Phước Hộ, Phước Cơ, Phước Trạch, Phước Thiện, Phước Định, Phước Bình, Phước Ninh, Phước Trí.

Ngài viên tịch vào 10 tháng 8 năm 1949, thọ 70 tuổi, 55 hạ lạp. Tháp ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa.

Tháp ngài Thiền Phương

  1. Hòa thượng húy Thị Tín tự Hành Giải hiệu Phước Trí

Hòa thượng thế danh Huỳnh Hữu Ân, sinh năm 1920, tại thôn Phương Lưu, Xuân Thọ. Ngài xuất gia tu học với ngài Thiền Phương tại chùa Phước Sơn – Đồng Tròn.

Năm 1936 – 1943, Ngài theo học tại Phật học đường Tây Thiên, Báo Quốc, Huế.

Năm 1947, Ngài thọ cụ túc tại đại Giới đàn chùa Bảo Sơn, Tuy An cùng với các ngài Khế Hội, Phước Ninh, Huệ Thắng…, do hòa thượng Vạn Ân làm đàn đầu.

Vào năm 1950, Ngài thừa kế bổn sư trụ trì Tổ Đình Phước Sơn. Đến năm 1962, Ngài tiếp tục đảm nhiệm trụ trì Triều Tôn. Năm 1985, hòa thượng Phước Hộ viên tịch, Ngài Phước Trí kiêm luôn trụ trì Tổ Đình Từ Quang Đá Trắng.

Như vậy, cuộc đời Ngài gắn liền với ba ngôi Tổ Đình nổi tiếng của thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên. Đến ngày 23 tháng 9 năm 2002, Ngài an nhiên viên tịch. Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Triều Tôn.

Tháp ngài Phước Trí

Hiện nay, trụ trì chùa Phước Sơn là thượng tọa Thích Đồng Hóa.

Tổ đình Phước Sơn tuy nhỏ hẹp so với các ngôi Tổ đình khác nhưng nơi đây có vị trí đắc địa, trở thành chốn linh thiêng, nuôi dưỡng Tăng tài qua các đời. Những Tăng tài đó là bậc Long Tượng không chỉ của tỉnh Phú Yên, mà con lan tỏa hưng thơm giới đức ra ngoài tỉnh. Các Ngài xuất thân từ Tổ đình Phước Sơn đều được Triều Đình Hoàng Gia trọng vọng, trong đó cũng có một số Hoàng Gia, quy y theo Phật. Ngôi Tổ đình này được Triều Đình ban tặng những bảo vật rất quý giá, đây là niềm vinh dự cho chùa Phước Sơn nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.

Lần thứ nhất năm Từ Đức thứ 34 (1881), được Thái Hoàng Thái Hậu ban cho hai cây gấm, có tên là Vạn Thọ Như ý; lần thứ 2, năm Thành Thái thứ 8 (1896), Từ Nghi Hoàng Thái Hậu ban bộ Tử Kim Cà Sa, một chiếc mũ Quan Âm, một Kim Tiền khắc hai chữ Tam Thọ; lần thứ 3, năm Thành Thái thứ 9 (1897), Vua ban một Đại Hồng Chung, một cặp Bảo Cái, một Ca Sa, một mũ Quan Âm; lần thứ tư năm Thành Thái thứ 10 (1898), Vui ban một chiếc Kim Khánh khắc hai chữ Khâm Tai, một đồng tiền khắc bốn chữ Triệu Dân Lại Chi; lần thứ 5 Thành Thái thứ 13 (1901), Thái Hoàng Thái Hậu ban một Ngân Tiền; năm Bảo Đại thứ 14 (1939), Triều Đình ban cho ngạch biểu “Sắc Tứ Phước Sơn Tự”.

Ngày nay, chúng ta đến Tổ đình Phước Sơn để vãng cảnh, lễ Phật đơn thuần thì không thể nào cảm nhận hết được sự linh thiêng của chốn này. Ngoài du lịch tâm linh, chúng ta cần phải biết được lịch sử trên 200 năm của Tổ đình này, thì mới cảm nhận hết sự thiêng liêng, thánh thoát trong tâm hồn và sự oai linh nhiệm mầu của lịch đại cao Tăng từng hiện diện và hành đạo nơi đây.

Vào buổi sáng đẹp trời, chúng tôi đến ngôi Tổ đình Phước Sơn, rảo bước quanh Chùa ngắm núi sông, đồng ruộng lòng đầy hoài niệm tưởng nhớ lại Tổ khai sơn đã từng dừng bước du hóa tại đây, lập thảo am tu hành.

Hơn hai thế kỷ trôi qua, ngôi Tổ đình này, nay cũng chỉ là nơi hoang vắng, dân cư thưa thớt. Dù cho ngày nay, Đất Nước đã hiện đại hóa, đâu đâu cũng có đường xá thuận lợi, dân cư đông đúc, huống chi ngày xưa nơi đây hoang vắng biết bao.

Chúng tôi tự nghĩ! Tổ ẩn cư ở nơi này, ăn gì, uống gì làm bạn với Ai? trong khi lối sống độc cư chắc không Dễ dàng chút nào. Sau này đọc kinh Điển đại thừa, chúng tôi mới cảm nhận được đều đó, với các bậc chân tu như Tổ thì lấy pháp hỷ, thiền duyệt làm thức ăn, Bồ Tát mười phương là bạn đồng hành, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Như vua Trần Thái Tông ngự trên ngôi cao, vàng son nhung lụa, mà cũng từng ca ngợi lối sống độc hành của thiền sư Đức Sơn ngày xưa:

Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình

Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh

Cá trung tư vị vô nhân thức

Phó dữ sơn Tăng lạc đáo minh.

Dịch

Gió đập cửa tùng trăng sáng sân

lòng cùng phong cảnh hẹn nhàn thanh

Trong này vui thú nào ai biết

Đêm sáng mặc sư vui một minh.

Ngài Quảng Thiện là tấm gương cho hậu thế về hạnh hiếu. Ngài cả đời hiếu thảo song thân, thế gian khó ai sánh bằng, mặc dù Ngài là người xuất gia. Ngài khuyến hóa song thân, xem của cải phù du, cúng gia sản vào chùa, để nuôi dưỡng chúng Tăng, trùng hưng chốn Tam Bảo. Chùa Phước Sơn được đại trùng tu, phạm vũ trang nghiêm. Giới đàn Lăng Nghiêm, giáo thọ sư lưu trong sử sách.

Ngài Huệ Nhãn, giới đức hinh hương tỏa ra ngoài tỉnh. Huệ quang vô lượng sáng rạng Phú Mỹ Sơn, Nhãn tạng uyên thâm trùng hưng chùa Đá Trắng. Tháp Phước Sơn lưu giữ nhục thân còn tỏa hương thơm. Đường Bạch Thạch hậu sinh rảo bước, lòng đầy thán phục.

Ngài Pháp Tạng, chấn tích quang lâm chốn Kinh Đô gia trì, thuyết pháp. Phước Sơn, Bảo Sơn con cháu vẫn hưng thịnh, duy trì.

Ngài Thiền Phương một đời chăm lo đào tạo Tăng tài. Hậu bối là thạch trụ trong thời chấn hưng Phật giáo. Tỉnh Thừa Thiên chứng minh đạo sư, vẫn còn lưu danh.

Ngài Phước Trí trải bao khổ nhọc. Tổ đình Phước Sơn hai lần đại trùng tu, Già lam Triều Tôn tháp còn lưu xá lợi.

Cho đến thế hệ pháp tử sau này như chùa: Triều Tôn, Bảo Sơn, Cảnh Phước (Phú Yên); Đông Hưng, Thiền Tịnh, Đa Bảo (Sài Gòn); Dược Sư (Đak Lak)…, chư Tăng ở những ngôi chùa này đều có gốc từ Tổ đình Phước Sơn.

Cổ nhân có câu: “danh sư xuất cao đồ” cho nên chư Tăng cận đại sau này như: Ngài Phúc Hộ giới đức phục chúng, được Tăng già cả nước nể phục. Ngài Phước Bình cả đời dịch thuật kinh luật. Truyền bá Phật pháp, đất Phương Nam lưu danh. Hàng đệ tử, đồ tôn nay đông vô số kể. Ngài Phước Ninh gia trì chẩn tế nổi danh đương thời. Bảo Tịnh, Cảnh Phước, Bảo Sơn phạm vũ, đó dáng xưa.

Ngài Phước Trí, nghiêm trì mật chú, cảm ứng oai linh. Dân Xuân Thọ vẫn còn lưu truyền thuyết.

Các Ngài, thừa chí Tổ nguyện, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Thật đúng với câu:

“Nhãn tạng truyền trì vạn thế lưu phương quang tổ ấn

Tâm đăng điểm xuyến thiên thu tục diệm hiển tông phong”.

Dưới đây là mốt số hình ảnh, xin gửi đến bạn đọc :

Phật Giáo Sông Cầu – BBT