Là vùng đất linh thiêng, cái nôi xuất phát của thiền phái Liễu Quán, Phật giáo Phú Yên tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị vốn có trong dòng chảy của lịch sử hiện đại.
Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Phú Yên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027, báo Giác Ngộ đã có buổi trò chuyện với Hòa thượng Thích Đồng Tiến, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên về chặng đường 5 năm qua của Phật giáo nơi đây. Nhận định về những thành tựu Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua, vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo tỉnh Phú Yên cho biết:
– Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2017-2022 bị trễ 1 năm so với kế hoạch, phải đến tháng 8-2018 mới tổ chức được. Tuy vậy, các công tác Phật sự vẫn được hoàn thành tốt đẹp, đúng với các mục tiêu, phương hướng đã đề ra trước đó.
Điều quan trọng nhất với chúng tôi đó là thành phần nhân sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên đã được kiện toàn đầy đủ, vừa trẻ hóa đội ngũ nhưng vẫn đảm bảo có đủ kinh nghiệm trong việc tu và phụng sự. Kết hợp với sự lãnh đạo kịp thời của Ban Thường trực, sự đoàn kết của Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tất cả tạo nên một sức mạnh tổng thể để Phật giáo Phú Yên hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trước đây có một số tự viện vì yếu tố khách quan nên không gia nhập sinh hoạt với Giáo hội. Việc sinh hoạt nội bộ của các ngôi tự viện đó chưa có sự đoàn kết, làm trở ngại sinh hoạt tu học của nhiều người. Sau Đại hội VII, Ban Trị sự đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ các ngôi tự viện trên gia nhập Giáo hội, qua thời gian và sinh hoạt, chư vị đã thấy được tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia sinh hoạt trong đoàn thể Tăng-già. Hiện tại, các tự viện như vậy đã thay đổi diện mạo mới, tích cực phụng sự cho Phật pháp và xã hội.
Hòa thượng Thích Đồng Tiến, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên |
* Hòa thượng vừa nhắc tới sự đoàn kết, hòa hợp và xem đó là yếu tố mang đến sự thành công của Phật giáo Phú Yên trong nhiệm kỳ vừa qua. Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về điều này?
– Có thể khẳng định sự đoàn kết, hòa hợp là điều cốt lõi nhất mang đến những thành công của Phật giáo Phú Yên ngày hôm nay. Ban Trị sự và Ban Thường trực tỉnh nói riêng luôn tìm ra tiếng nói chung trong mọi kế hoạch, cùng nhau dấn thân trong mọi công tác và nỗ lực làm việc hết mình trên tinh thần vì số đông. Những trách nhiệm đã được giao phó thì chư vị Phó Trưởng ban cũng như các ban đều hoàn thành tốt.
Nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực Ban Trị sự và bộ phận văn phòng đã giải quyết nhanh, đúng thủ tục để 33 vị Tăng Ni được bổ nhiệm và 41 vị tái bổ nhiệm trụ trì, chuyển sinh hoạt tôn giáo hoặc các công việc hành chính có liên quan đến tự viện một cách gọn gàng.
Ngoài ra, được sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự GHPGVN và sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền các cấp cùng với các ban ngành, nhất là Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo tỉnh. Năm 2021, mặc dù trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng với sự giúp đỡ của Ban Tôn giáo, chúng tôi đã tổ chức thành công đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện, thị xã.
Cuối cùng, yếu tố không thể không nhắc đến đó là Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà luôn chấp hành tốt Hiến chương GHPGVN, luật pháp Nhà nước. Điều này mang đến rất nhiều thuận duyên khi tiến hành các công tác Phật sự.
* Còn những tồn đọng khác mà Phật giáo Phú Yên để lại, thưa Hòa thượng?
– Khách quan mà nói, Phật giáo Phú Yên vẫn còn đó những trăn trở mà BTS cần phải gấp rút giải quyết trong thời gian tới. Một trong số đó là vấn đề liên quan đến Thông tư số 60/TT-HĐTS ngày 26-3-2021 hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu GHPGVN cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Theo kế hoạch trong năm 2021 thì 9 đơn vị gồm các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh phải tổ chức đại hội. Đến cuối tháng 11-2021, 8 đơn vị đã ra mắt Ban Trị sự mới, riêng TP.Tuy Hòa thì chưa tổ chức đại hội được. Nguyên nhân cũng do chưa thực hiện đúng thông tư hướng dẫn về vấn đề tổ chức đại hội của Trung ương. Có thể sau Đại hội Phật giáo tỉnh, chúng tôi mới lo tới Đại hội Phật giáo TP.Tuy Hòa.
* Với kinh nghiệm của người đứng đầu Giáo hội tỉnh, Hòa thượng đánh giá như thế nào về các thuận lợi và thách thức mà Phật giáo Phú Yên sẽ đối diện trong nhiệm kỳ tiếp theo?
– Hiện tại các Tăng Ni trẻ được đào tạo chính quy, theo học tại các Học viện Phật giáo đã tốt nghiệp và mang theo tâm nguyện trở về phục vụ trong Ban Trị sự các cấp. Điều này làm trẻ hóa thành phần nhân sự cũng như mang đến một luồng sinh khí mới cho Phật giáo tỉnh nhà.
Tuy nhiên, về tổng thể thì Tăng Ni, Phật tử vẫn chưa theo kịp đà tiến triển của xã hội nên công tác triển khai thông tin, văn bản hành chính còn nhiều trở ngại. Công tác quản lý ở các cấp đều theo tinh thần tự do nên một số nơi còn trì trệ trong các hoạt động Phật sự.
Là người đứng đầu công tác quản lý, tôi tin tưởng nếu toàn thể Tăng Ni Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên biết giữ vững sự đoàn kết, đồng thuận ý kiến trong mọi công tác Phật sự và phát huy luồng sinh khí mới đó thì việc khó nào cũng sẽ vượt qua.
* Là vùng đất thiêng, quê hương của Tổ sư Liễu Quán, Phật giáo Phú Yên đã tiếp nối các giá trị linh thiêng đó như thế nào, thưa Hòa thượng?
– Làng Bạc Má, xã An Thạch, huyện Tuy An, quê hương của Tổ sư Liễu Quán với ngôi chùa Cổ Lâm Hội Tôn đã được nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh và xây dựng khang trang để tưởng nhớ đến những tháng ngày tu học đầu tiên của Thiền sư Liễu Quán.
Để gìn giữ và tiếp nối mạng mạch mà Tổ Thầy đã trao truyền trên vùng đất này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên luôn quan tâm đến việc giáo dục các thế hệ Tăng Ni kế thừa. Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán được lấy theo tên của Tổ sư, từ khi thành lập đến nay đã đào tạo được 6 khóa. Vừa rồi, trường đã bế giảng khóa V gồm 31 Tăng Ni sinh tốt nghiệp và khai giảng khóa VI gồm có 37 Tăng Ni sinh theo học.
Các vị này sau khi tốt nghiệp xong, đa số thi vào các Học viện Phật giáo ở TP.HCM, Huế và một số du học ở nước ngoài, sau khi học xong đều trở về quê hương để phục vụ công tác Phật sự. Những Tăng Ni sinh khóa I, II, III hiện đang đảm trách vai trò lãnh đạo của GHPGVN tỉnh Phú Yên cũng như các Ban Trị sự huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Hàng năm đến dịp kỵ Tổ, Phật giáo Phú Yên đều tổ chức khóa tu học Liễu Quán vào các ngày 19-20-21, tháng 11, âm lịch. Các năm gần đây, do dịch Covid-19, khóa tu học bị đình trệ lại. Hy vọng tháng 11 tới đây đủ duyên lành, khóa tu học cần yếu này sẽ được tổ chức lại, giúp Tăng Ni, Phật tử hiểu và noi theo công hạnh của Tổ sư.
* Hòa thượng có lời gì muốn gửi gắm đến Tăng Ni, Phật tử trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo tỉnh nhà nhân dịp Đại hội Phật giáo tỉnh lần này?
– Làm sao để gìn giữ các giá trị mà Tổ Thầy đã lưu lại trên quê hương mình, tạo nên một hàng ngũ xuất gia đầy đủ đạo hạnh đồng thời để tránh sự gièm pha, đả kích, hủy báng đạo pháp là điều mà tôi kỳ vọng nhất đối với Tăng Ni, Phật tử Phật giáo tỉnh Phú Yên.
Tất cả chúng ta phải tận tâm, tận lực để đưa Phật giáo lan tỏa đến cộng đồng xã hội hơn nữa. Người xuất gia cần hành trì tứ oai nghi cẩn trọng, làm chỗ dựa tinh thần cho chúng sanh. Với Phật tử tại gia thì gửi gắm niềm tin của mình vào Tam bảo, hộ trì chư Tăng học, tu và làm các việc thiện sự. Có như thế, Phật giáo Phú Yên mới vững chắc và phát triển hơn trong tương lai.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!