CHÙA TRIỀU TÔN – ĐẤT XUÂN THỌ NƠI TĂNG TÀI LƯU XUẤT

Chùa đất tổ Dòng lịch sử VỀ NGUỒN

Cây lồng xóm mạc xa xa thấy

Mắt lóa phong trần bước bước gay

Cái thú trên non chừng vẫn ấy

Bên mây đủng đỉnh dáng sư thầy.

(Cụ Tam Nguyên Yên Đổ)

Vùng đất Xuân Thọ, phía Bắc có dốc Găng tọa trấn, phía Nam là miễu Ông Cọp linh thiên, phía Đông là vịnh Xuân Đài di tích thắng cảnh quốc gia, phía Tây là dãy núi trải dài giáp huyện Đồng Xuân.

Dọc quốc lộ 1A, đến ngã ba Triều Sơn, hướng về phía Tây  theo con đường tỉnh lộ khoảng 1km, chúng ta sẽ gặp ngôi chùa lớn nhất vùng đất này. Chùa Triều Tôn tọa lạc tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu. Diện tích đất chùa khoảng 8000m2, phía sau dựa vách núi, mặt hướng ra đồng ruộng, xa xa là dòng sông uốn lượn đổ ra vịnh Xuân Đài. Thật đúng với câu đối cổ mà người xưa để lại:

Hậu đầu sơn ánh sắc

Tiền diện thủy triều ba

“Phía sau núi non ánh ngời nhiều màu sắc

Mặt trước biển cả lao xao những sóng triều.”

                                        (Hòa thượng Phước Trí dịch)

Cổng tam quan – chùa Triều Tôn

Đến chùa, dừng chân trước cổng, chúng ta sẽ gặp cổng tam quan thật đồ sộ với kiến trúc cổ lầu, mái đao kiểu truyền thống, pha cách điệu theo lối hiện đại. Cổng Tam Quan được xây dựng ba lối vào tuy to lớn uy nghiêm nhưng không kém phần thanh nhã. Trước cổng có câu đối:

Triều khán thanh sơn xuất nhập hữu duyên tầm phước quả

Tôn vi lục thủy vãng lai vô ngại chủng trí nhơn.

Tạm dịch:

Triều ngắm núi xanh hữu duyên ra vào tìm phước quả

Tôn xem sông biếc khắp nơi lui tới trồng trí nhân

Hai bên góc Tam Quan còn có hai câu:

Phật pháp diệu huyền phổ hóa nhân quần đăng giác lộ

Chúng tăng đoàn tụ hoằng dương Phật lý cứu mê đồ

Tạm dịch:

Phật pháp huyền diệu hóa khắp chúng sanh lên bờ giác

Chúng tăng hòa hợp hoằng dương Phật lý cứu đường mê.

Điện Quan Âm – chùa Triều Tôn

Qua cổng Tam Quan, chúng ta sẽ vào điện Quan Âm, nơi tôn trí tượng Bồ Tát được tạo tác bằng đá. Khuôn mặt Ngài được nghệ nhân thể hiện tài tình và toát lên vẻ đại từ đại bi, sáng ngời trí tuệ. Thật đúng với câu tán thán Ngài:

Trí tuệ thâm sâu đại biện tài

Đứng trên sóng biển tuyệt trần ai.

Điện Quan Âm được xây dựng với lối kiến trúc hình lục giác, trên là mái đao được điêu khắc họa tiết, đường nét hoa văn sống động.

Quang cảnh – chùa Triều Tôn

Phía sau, Điện Quan Âm là khoảng sân rộng, được bài trí những chậu cây kiểng và cắt tỉa rất công phu, đứng nơi đây ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa. Chính Điện xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu pha nét đương đại, mái kề nối nhau với dãy mái nhà Đông, nhà Tây, tạo nên sự liên kết hài hòa. Trên mái được bàn tay nghệ nhân khéo léo điêu khắc rồng uốn lượn, phượng tung bay, tuy nguy nga đồ sộ nhưng không mất đi vẻ đẹp truyền thống của mái chùa làng Việt.

Bảo điện – chùa Triều Tôn

Bên trong Đại Hùng Bảo Điện được bài trí cũng giống như những ngôi chùa Bắc tông khác. Tượng đức Bổn Sư được thờ nơi chính giữa, sau lưng tượng là bức bích họa có cội bồ đề, có dòng sông, xa xa là dãy Tuyết sơn được nghệ nhân vẽ rất sinh động. Hai bên tượng của đức Bổn Sư là tượng Bồ Tát Quan Âm và  Bồ Tát Địa Tạng.

Trong Bảo Điện có câu đối:

Thành đạo đương sơ, tại Bồ đề thọ hạ, tam thất tư duy hoằng khai đại pháp

Niết bàn thùy chí, ư Sa la song thọ, thuyết truyền di giáo phó chúc tăng luân.

Dịch:

Vừa mới thành đạo, dưới cội Bồ đề, ba thất tư duy hoằng khai đại pháp

Sắp vào niết bàn, trong rừng Sa la, thuyết kinh Di giáo phó chúc chúng Tăng.

Tổ đường – chùa Triều Tôn

Phía sau hậu Tổ có thờ bức họa Tổ Đạt-Ma. Bức hình Tổ được họa sĩ vẽ với đường nét truyền thần, đang đạp sóng quảy dép về Tây. Trên bàn Tổ, thờ rất nhiều Long vị của lịch đại cao tăng, được xếp đặt thứ tự, từ Tổ khai sơn cho đến các Tổ kế thế.

Hai bên tượng tổ Đạt-Ma có cặp đối:

Nhãn tạng truyền trì vạn thế lưu phương quang tổ ấn

Tâm đăng điểm xuyến thiên thu tục diệm hiển tông phong.

Tam dịch:

Chánh pháp truyền trì muôn đời tỏa hương vang tổ ấn

Đèn tâm thắp sáng ngàn năm rực rỡ rạng tông phong.

Tổ Đình Triều Tôn được thiền sư húy Liễu Diệu, hiệu Chánh Quang, phái Lâm Tế, đời thứ 37 ( theo dòng kệ của ngài Vạn Phong Thời Uỷ: Tổ Đạo Giới Định Tông, Phương Quảng Chứng Viên Thông, Hành Siêu Minh Thiệt Tế, Liễu Đạt Ngộ Chân Không…) khai sơn vào đầu triều nhà Nguyễn (1803). Ban đầu chùa chỉ là một thảo am được Tổ dựng lên tu hành, trên đồi cây Dừng, Đồng Găng. Xứ Đồng Găng ngày xưa là nơi thâm u tĩnh mịch, rất hợp với người thích tu hành mật hạnh. Đứng ở nơi đây, chúng tôi nhìn xuống làng mạc thôn xóm, chợt ngẫm lại bài thơ của Thiền Sư Không Lộ:

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch:

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê chang chứa suốt ngày vui

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng hú vang lạnh cả trời.

Sau khi Tổ Liễu Diệu viên tịch, vì không có đệ tử thừa kế, do đó Ngài Chương Tánh, hiệu Quảng Nhuận được tông môn Tổ Đình Từ Quang – Đá Trắng cử về thừa kế tổ nghiệp. Ngài nhận thấy rằng, nơi đây tuy phong cảnh thâm u tĩnh mịch dễ bề tu niệm nhưng đường xá xa xôi không thuận tiện, nhất là về mùa mưa thì lầy lội khó đi, mùa nắng lại thiếu nước sinh hoạt, khó khăn trăm bề. Trước sự khó khăn đó, Ngài quan sát và thấy phía đối diện nơi chùa cũ, là một vị trí có cảnh quan tươi đẹp, đường xá thuận lợi, không gần cũng không xa làng xóm, nhiều điều kiện dễ bề truyền đạo. Sau một thời gian đắn đo cân nhắc, Ngài Quảng Nhuận quyết định dời chùa về vị trí ấy (nay là chùa Triều Tôn). Chùa xưa trở thành phế tích, chỉ còn lại ngôi Tháp Tổ rêu phong đứng đó phủ màu thời gian.

Tháp Tổ khai sơn – Chùa Triều Tôn

Trải qua bao thăng trầm theo dòng thời gian, chùa Triều Tôn nhiều lần được trùng tu, lần gần nhất, được hòa thượng hiệu Liên Tâm tu sửa. Đến năm 1985, được hòa thượng Phước Trí đại trùng tu lại lần nữa.

Chính điện cũ – chùa Triều Tôn

Ngôi chùa Triều Tôn mới

 Đến năm 2000, hòa thượng thích Đồng Tiến trùng tu lại mặt tiền chính điện, xây dựng thêm nhiều công trình sinh hoạt phụ, thêm phần khang trang và có được diện mạo như ngày hôm nay.

Lễ công bố quyết định công cử BTS lâm thời GHPGVN tỉnh Phú Yên

Vào ngày 28/4/2018(nhằm ngày 13/3 Mậu Tuất), Tổ Đình Triều Tôn vinh dự được GHPGVN tỉnh, chọn làm địa điểm tổ chức lễ công bố quyết định công cử BTS lâm thời GHPGVN tỉnh Phú Yên.

Chùa Triều Tôn được trụ trì qua các đời:

  1. Hòa thượng húy Liễu Diệu hiệu Chánh Quang.

Tổ Liễu Diệu người tỉnh Phú Yên,  sinh năm 1779, là đệ tử đắc pháp với tổ Diệu Nghiêm (tổ đình Từ Quang – Đá Trắng). Sau khi tham cứu tu học với tổ Diệu Nghiêm xong, Tổ vân du, hành đạo đến vùng đất Xuân Thọ. Vì nhận thấy hầu hết dân trong vùng này đều lam lũ cày cuốc và đánh bắt thủy sản để mưu sinh, không mấy ai biết đến Phật pháp, cho nên Tổ quyết định dừng bước tại đây, dựng am tu hành và hoằng hóa. Với trí tuệ và đức độ của Tổ, dân chúng trong vùng dần dần được cảm hóa, thấm nhuần đạo lý và quy phục mỗi ngày càng thêm đông. Và từ đó, ngôi chùa Triều Tôn được tổ Liễu Diệu kiến lập, đã trở thành ngôi Tam Bảo cho dân chúng quy ngưỡng và nương tựa. Tổ viên tịch vào ngày 11 tháng 7 năm 1855. Tháp tổ được  xây dựng trong khuôn viên chùa Triều Tôn cũ.

Tháp tổ trong khuôn viên chùa Triều Tôn cũ

Năm 1816, tổ Liễu Diệu cùng tổ Giác Ngộ chùa Bát Nhã, tổ Toàn Thể chùa Từ Quang, tổ Toàn Đức chùa Khánh Sơn đồng chứng minh và chú nguyện để đúc Đại Hồng Chung. Chiếc Hồng Chung này, hiện đang ở chùa Liên Trì Thành Phố Phan Thiết, Bình Thuận. ngoài ra, ngài Liễu Diệu còn đúc thêm một đại Hồng Chung khác được lưu giữ tại chùa Triều Tôn.

Chiếc Đại Hồng Chung chùa Liên Trì Thành Phố Phan Thiết, Bình Thuận

Đại Hồng Chung chùa Triều Tôn.

Có thể nói, tổ Liễu Diệu là người có công lớn trong việc đặt nền móng truyền bá phật pháp vào vùng đất này. những năm về sau, người dân quy ngưỡng phật pháp ngày càng thêm đông, chùa Triều Tôn không đủ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của dân chúng, nên vùng đất Xuân Thọ xuất hiện thêm các ngôi chùa nữa là: chùa Long Sơn (ngài Liễu Ngộ), chùa Linh Sơn (ngài Quảng Văn), chùa Lăng Nghiêm (ngài Chương Tánh), chùa Từ Giác, chùa Thắng Quang (ngài Mật Ý), chùa Long Hải (ngài Phổ Tịnh).

Tháp Tổ –  chùa Long Sơn

Nền móng chùa cũ và tháp Tổ – chùa Linh Sơn

Tháp Tổ – chùa Thắng Quang

Nền móng chùa cũ và Tháp Tổ – chùa Từ Giác

  1. Hòa thượng húy Chương Tánh tự Tông Tiên hiệu Quảng Nhuận.

Ngài Chương Tánh là đệ tử của hòa thượng húy Toàn Thể tự Vi Lương hiệu Linh Nguyên (chùa Từ Quang Đá Trắng ). Ngài là vị trụ trì chùa Triều Tôn đời thứ 2, thừa kế Tổ Liễu Diệu. Ngoài ra, Ngài còn là vị khai sơn chùa Lăng Nghiêm. Vào Minh Mạng năm thứ 17 (1837), tại chùa Triều Tôn, với sự chứng minh của hòa thượng Toàn Đức và hòa thượng Toàn Nhật, Ngài cùng tăng chúng trùng khắc Báo Ân Kinh chú nghĩa của Tổ Diệu Nghiêm và  được Ngài húy Chương Thiện tự Tuyên Giác hiệu Hằng Đạo trụ trì chùa Phổ Quang (Bình Định), viết lời bạt. Mộc bảng này được lưu giữ ở Chùa Từ Quang Đá Trắng (Từ Quang tàng bảng).

Sách được in từ mộc bảng

Ngài Chương Tánh là cậu ruột của danh nhân Đô đốc Hải quân Đào Trí. Cụ Đào Trí sinh thời văn võ song toàn nên trong dân gian có câu thơ ca ngợi tài ba của ông:

Tài võ trí dũng tuyệt vời

Văn chương cũng lại một đời thâm uyên

Song toàn chẳng kém trạng nguyên

Tướng quân đào trí lưu truyền muôn thu.

Ngôi mộ của tướng quân Đào Trí

Theo lời Cố Hòa Thượng Phước Trí kể lại trong tài liệu Lược sử chư vị tổ sư chùa Triều Tôn:

Sau khi về hưu, cụ Đào Trí an dưỡng tại quê nhà Xuân Thọ và thường lui tới thăm viếng chùa Triều Tôn, nơi người cậu của mình là ngài Chương Tánh đang tu hành và trụ trì ở đó. Cụ được Ngài dạy như sau: Ông là võ tướng, tay ông sát hại nhiều người, vẫn biết rằng sự sát hại đó là thi hành nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, nhưng theo giáo lý nhân quả nhà Phật, có nhân ắt có quả, thì không sao tránh khỏi quả báo. Ông may mắn còn sống đến ngày hôm nay. Lấy tình cậu cháu, tôi khuyên ông nên hồi tâm tỉnh ngộ, trì kinh niệm Phật, trước là cầu cho tiêu trừ tội chướng, sau là cầu cho những vong hồn do ông sát hại sớm được siêu độ. Cụ Đào Trí nghe lời khuyên bảo của ngài Chương Tánh, rất đỗi vui mừng và phát nguyện cất một ngôi chùa để hằng ngày lui tới tụng kinh lễ Phật. Theo lời hướng dẫn của Ngài, Cụ tìm đất xây dựng chùa, cung thỉnh Ngài chứng minh và đặt tên chùa. (hiện nay là chùa Lăng Nghiêm).

Ngài Chương Tánh viên tịch vào ngày 8 tháng 4 năm …, tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa Triều Tôn. Trước tháp có câu đối:

Lục thủy tây lai ý

Hoàng hoa cổ Phật tâm.

Hòa thượng Phước Trí, Ngài dịch ý và chú thích như sau: Ngài Đạt-ma từ Tây Trúc đem đạo thiền truyền đến Trung Hoa; Chư Phật khai thị giác tánh chơn tâm. Mục đích không ngoài khai thị chúng sanh ngộ nhập bản tánh chân như của vạn pháp. Nếu người nào ngộ được ý chỉ “nước biếc hoa vàng” là chơn như thể tánh thì người đó là thiền, là Phật rồi. Không cần tìm thiền tìm Phật đâu xa nữa.

 Tháp ngài Quảng Nhuận

  1. Hòa thượng húy Ấn Như tự Tổ Nguyện hiệu Huệ Hương.

Ngài Ấn Như sinh tại Phú Yên, xuất gia tu học và thừa kế ngài Chương Tánh và là vị trụ trì chùa Triền Tôn đời thứ 3. Sau khi Đươc Ngài Chương Tánh lập cử trụ trì, Ngài chuyên lo trì kinh niệm Phật, đặc biệt là công phu tu trì mật chú. Nhờ trì tụng nhiều ngày nên được linh ứng mầu nhiệm. Với công phu tu hành này, Ngài dùng để cứu giúp mọi người, chữa khỏi bệnh tật mà không hề thọ nhận bất cứ một vật gì của người thọ ân đến cúng dường. Ngài xem đó là phương tiện để dẫn dắt mọi người về với Phật pháp, thường khuyên họ cố gắng làm nhiều điều phước thiện, chuyên tâm trì kinh niệm Phật để kết duyên với Tam Bảo. Ngoài việc quảng kết thiện duyên, Ngài còn tiếp tăng độ chúng. Ngài là bổn sư của các ngài Chơn Ấn thừa kế trụ trì chùa Triều Tôn, ngài Chơn Hành khai sơn chùa Phổ Quang, ngài Chơn Minh tự Đạo Thành hiệu Thiện Định là vị khai sơn chùa Sắc Tứ Xuân Long (Sông Cầu), ngài Pháp Đăng trụ trì đời thứ 2 chùa Long Phước (nay là chùa Sắc Tứ Long Quang, Sông Cầu). Ngài Ấn Như viên tịch vào ngày 19 tháng 9 năm..?.

Tháp ngài Huệ Hương

  1. Hòa thượng húy Chơn Ấn tự Đạo Ý hiệu Thiện Tâm.

Ngài Chơn Ấn sinh tại Phú Yên, là trưởng tử của ngài Huệ Hương, thừa kế trụ trì tổ đình Triều Tôn đời thứ tư. Ngài vốn có tư chất thông minh, cho nên mỗi khi nghe bổn sư giảng dạy kinh điển thì liền lĩnh hội. Ngoài sự thông minh ra, Ngài còn chuyên trì giới luật, nên được bổn sư hết sức quý mến và lập cử trụ trì. Nhưng rất tiếc, thọ mạng của Ngài quá ngắn, viên tịch ở tuổi 37.

Tháp ngài Thiện Tâm

  1. Hòa thượng húy Chơn Hạnh tự Đạo Phổ hiệu Thiện Quang.

Ngài Chơn Hạnh sinh quán tại Phú Yên, xuất gia tu học tại chùa Triều Tôn, là sư đệ của hòa thượng Chơn Ấn. Ngài khai sơn chùa Phổ Quang (thôn Khoan Hậu) và tu hành ở đó. Sau khi sư huynh Chơn Ấn viên tịch, chùa không người thừa kế nên Ngài về tiếp quản chùa Triều Tôn. Trụ trì được một thời gian ngắn, vì chí nguyện thôi thúc, Ngài lập chí nhập thất thời hạn một năm, chuyên trì mật chú tại hang núi Mã Vọ. Theo lời kể của dân địa phương, Ngài ngồi trì chú trong hang, cọp rình rập bên ngoài nhưng không dám vào ăn thịt. Sau một năm ẩn tu, Ngài về lại chùa, đem mật chú ứng dụng vào công việc chữa trị bệnh tật rất hiệu nghiệm. Những người được Ngài trị khỏi bệnh, họ lại đem ruộng đất cúng dường vào chùa. Vì kính phục đức độ và công hạnh của Ngài, cho nên dân trong vùng gọi Ngài là Phật sống chùa Triều Tôn. Ngài viên tịch vào ngày 14 tháng 9 năm 1940. Tháp được dựng trong khuôn viên chùa Triều Tôn.

Tháp ngài Thiện Quang

Hình con nghê trước tháp ngài Thiện Quang

Hiện nay tất cả ngôi tháp chùa Triều Tôn đều được trùng tu lại, riêng tháp ngài Chơn Hạnh còn giữ được nguyên trạng. Tháp ngài xây dựng ba tầng, hình lục giác, trên cùng là búp sen, xung quanh là nhiều hình đắp hoa văn nổi. Đặc biệt là cặp nghê đang vờn nhau trước cửa tháp (biểu tượng của sự thân thương gần gũi) được bảo tồn nguyên vẹn. Đây là hiện vật rất quý giá cho các nhà nghiên cứu văn hóa.

  1. Hòa thượng húy Thị Thành tự Hành Thật hiệu Liên Tâm.

Ngài Thị Thành họ Lê, sinh 1901 tại thôn Phương Lưu xã Xuân Thọ. Hòa thượng là anh ruột của ngài Hành Trụ hiệu Phước Bình. Ngài xuất gia tu học với hòa thượng Thiền Phương tại chùa Phước Sơn – Đồng Tròn. Sau này, y chỉ tu học với hòa thượng Chơn Hạnh được ban hiệu Liên Tâm và thừa kế trụ trì chùa Triều Tôn đời thứ 6. Năm 1961, Ngài vào Sài Gòn trụ ở chùa Chánh Giác, ngài viên tịch ngày 9 tháng 5 năm 1962, trụ thế 62 tuổi. Nhục thân của ngài được hòa thượng  Phước Trí đem về cải táng, tháp được xây dựng tại tổ đình Triều Tôn.

Tháp ngài Liên Tâm

7. Hòa thượng húy Thị Tín tự Hành Giải hiệu Phước Trí.

Hòa thượng  thế danh Huỳnh Hữu Ân, sinh năm 1920, tại thôn Phương Lưu, Xuân Thọ. Ngài xuất gia tu học với ngài Thiền Phương tại chùa Phước Sơn – Đồng Tròn. Năm 1936 – 1943 Ngài theo học tại Phật học đường Tây Thiên, Báo Quốc, Huế. Năm 1947 Ngài thọ cụ túc tại đại Giới đàn chùa Bảo Sơn, Tuy An cùng với các ngài Khế Hội, Phước Ninh, Huệ Thắng…, do hòa thượng Vạn Ân làm đàn đầu. Vào năm 1950 Ngài thừa kế bổn sư trụ trì Tổ Đình Phước Sơn. Đến năm 1962 Ngài tiếp tục đảm nhiệm trụ trì Triều Tôn. Năm 1985 hòa thượng Phước Hộ viên tịch, Ngài Phước Trí kiêm luôn trụ trì Tổ Đình Từ Quang Đá Trắng. Như vậy, cuộc đời ngài gắn liền với ba ngôi Tổ Đình nổi tiếng của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên. Đến ngày 23 tháng 9 năm 2002 thì Ngài  an nhiên viên tịch. Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Triều Tôn.

Tháp ngài PhướcTrí

Trụ trì hiện tại là Hòa Thượng Thích Đồng Tiến, tự Thông Hòa, hiệu Viên Hạnh. Hiện nay, hòa thượng là trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên ( nhiệm kỳ 2017 – 2022 ).

Xuân Thọ là vùng quê nghèo, mưa dầm nắng hạn, dân chúng bao đời đa số là bần nông cố hữu, tuy không phải là vùng địa linh nhưng lại xuất hiện rất nhiều bậc tăng tài. Chính vì sự rạng danh của các bậc tăng tài đó mà vùng đất Xuân Thọ đã trở thành vùng địa linh. Với tài năng và đức độ của mình, các Ngài đã hoằng dương chánh pháp, cảm hóa quần sinh, bằng nhiều phương tiện khác nhau, khiến họ trở về với Phật pháp. Nổi tiếng về chuyên trì Mật chú như là ngài Huệ Hương, ngài Chơn Hạnh, ngài Phước Trí, các Ngài dùng mật chú chữa trị tâm linh và xuất hiện không ít kỳ tích; về dịch thuật kinh sách, đặc biệt là Ngài Hành Trụ với những dịch phẩm quan trọng như: Tứ phần giới bổn như thích, Sa di luật giải, Tỳ kheo giới kinh, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát giới, Kinh hiền nhân, Khuyến phát bồ đề tâm văn …; ngài Phúc Hộ được xem là vị đệ nhất trì luật đương thời, được chư Tăng trong và ngoài tỉnh hết sức kính ngưỡng; ngoài ra còn ngài Quảng Liên(tu viện Quảng Đức – TP. HCM), ngài Trí Thành (sắc tứ Bát Nhã – Phú Yên), ngài Liên Tâm(chùa Triều Tôn – Tx. Sông Cầu),…Mặc dù chư vị đều đã viên tịch nhưng khi nhìn lại chặn đường phát triễn Phật Giáo, ít nhiều đều có dấu ấn của các Ngài. Hiện nay, nổi bật có: HT. Quảng Hiển (Đại Tòng Lâm – Bà Rịa – Vũng Tàu), HT. Chơn Thành (Chùa Liên Hoa – Hoa Kỳ), HT. Quảng Thiện (Chùa Sắc Tứ Hội Phước – Nha Trang), HT. Đồng Tiến(Chùa Triều Tôn – Tx. Sông Cầu),…góp phần không nhỏ vào công việc hoằng pháp lợi sinh.

Tuy các Ngài xuất gia ở những Tổ Đình khác nhau, Bổn sư khác nhau, nhưng chùa Triều Tôn ở vùng đất Xuân Thọ này vẫn là nơi nuôi dưỡng sơ tâm bồ đề của quý Ngài.

Như thế, Chư tổ truyền đăng, hậu lai tục diệm, tiếp nối truyền nhau không dứt, như Thiền Sư Đạo Hạnh có câu thơ phó chúc cho tông đồ trước khi viên tịch.

Vị báo môn nhân hưu luyến trước

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

Dịch:

Thôi hỡi môn đồ đừng thương tiếc

Thầy xưa mấy lược hóa thầy nay.

Các ngài, tuy hành đạo mỗi người một phương, thọ mạng có ngắn có dài nhưng đối với các ngài, thọ mạng nào có ý nghĩa gì, hóa thân ngàn lối, hành đạo muôn trùng, theo duyên mà đến, hết duyên thì đi, ung dung tự tại. Thật đúng như bài kệ của tổ Diệu Nghiêm:

Lai nhi vị tằng lai

 Khứ nhi vị tằng khứ

 Khứ lai bổn như như

 Như như hoàn lai khứ.

Dịch:

Đến mà chưa từng đến

Đi cũng chẳng từng đi

Đi đến vốn như như

Như như lại đi đến.

Với các ngài, cuộc đời ảo ảnh sương sa, dạo chơi  một chút gọi là nhân duyên. Biết đâu đó, Ngài sau cũng là ngài trước hóa thân, không ngoài đại nguyện lợi lạc quần sinh. Ngày nay, vùng đất Xuân Thọ đang mỗi ngày một ấm no và thịnh vượng. Thật đúng với câu đối sau cổng Tam quan, như một lời chúc phúc:

Núi non Triều Sơn điểm tô ngôi chùa tăng thêm cảnh sắc

Sông ngòi Xuân Thọ bao đời giúp mọi người được ấm no.

Trải qua hơn hai trăm năm, vượt qua bao thăng trầm biến động của thời cuộc, cho đến hôm nay, chùa Triều Tôn vẫn đứng đó tiếp tục là nơi nương tựa tâm linh cho những người con Phật.

Những đứa trẻ chơi đùa trong mùa Trung Thu

Hai bên con đường tỉnh lộ dẫn vào chùa, nhà dân mọc lên tấp nập, không còn thưa thớt như ngày xưa. Đứng trên Chính Điện nhìn ra trước sân, thấy những đám trẻ, đang chơi đùa trong nắng, nhân ngày tết Trung Thu. Chúng tôi nghĩ tới lịch đại cao tăng vùng này, lòng tự hỏi, có hóa thân nào của các ngài trong đám trẻ đó không.

Dưới đây là một số hình ảnh, xin được gửi đến quý độc giả:

Phật Giáo Sông Cầu – BBT