TỔ ĐÌNH SẮC TỨ TỪ QUANG TỰ – TRUNG TÂM PHẬT HỌC MIỀN TRUNG CUỐI THẾ KỶ XVIII – ĐẦU THẾ KỶ XX

Chùa đất tổ Dòng lịch sử VỀ NGUỒN

Tìm về Bạch Thạch, A Lan Nhã

Dưới gốc Xoài già, hỏi sư đâu

Rằng kia lời pháp vang trong gió

Đá Trắng vô tri cũng gật đầu.

Tổ Đình Sắc tứ Từ Quang Tự được Tổ Diệu Nghiêm khai sơn vào cuối thế kỷ 18. Xuyên suốt thời gian, cho đến đầu thế kỷ 20, ngôi chùa không những là một Trung tâm Phật học của tỉnh Phú Yên, mà còn là nơi để Tăng chúng miền Trung tìm về tu học. Vì nơi đây, có nhiều bậc danh Tăng, uyên thâm Phật học, tinh nghiêm giới luật, đức hạnh sáng ngời, trong đó có vị xuất thân từ Hoàng Gia. Ngôi Tổ Đình này đã từng gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân, của người dân Phú Yên trong thời kỳ chống Pháp.

Quang cảnh – Tổ Đình Sắc tứ Từ Quang Tự

Theo quốc lộ 1A, đến dốc vườn Xoài, nhìn về phía Tây, du khách sẽ thấy cổng Tam Quan của ngôi cổ tự Từ Quang. Chùa tọa lạc tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Diện tích đất chùa khoảng 10.000m2.

Con đường đá cổ rất độc đáo đã có từ ngày xưa – chùa Từ Quang 

Để đến chùa, du khách phải trải nghiệm bộ hành trên con đường đá cổ, với chiều dài khoảng 500m, rất độc đáo đã có từ ngày xưa, đây là con đường đá còn lại duy nhất của tỉnh Phú Yên.

Đi hết con đường đá, du khách sẽ dừng chân trước cổng Tam Quan rêu phong cổ kính, trước là để nghỉ ngơi, sau là để lắng lòng, chiêm ngưỡng toàn cảnh ngôi cổ tự. Ngôi cổ tự Từ Quang ẩn hiện thấp thoáng trong vườn xoài, phong cảnh thoáng mát, thâm u tĩnh mịch, làm cho lữ khách quên hết mệt nhọc khi đặt chân đến nơi này. Thật là:

Lên đây rũ sạch ưu phiền

Dẫu chưa là Phật, cũng tiên cõi trần.

Cổng tam quan cổ chùa Từ Quang

Cổng Tam Quan ngôi cổ tự có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng bằng vật liệu đá núi và vôi vữa, kiến trúc đơn giản mộc mạc, đặc trưng của nghệ thuật miền Trung. Đây là một trong hai cổng chùa cổ còn lại ở vùng Bắc Phú yên (cổng còn lại là chùa Phước Long, Xuân Lộc).

Cổng tam quan cổ chùa Phước Long

Qua khỏi cổng Tam Quan, lữ khách sẽ gặp bức bình phong, phía sau bức bình phong là khoảng sân rộng.

Ngôi Chính Điện được xây dựng với kiến trúc cổ lầu, mái đao cong vút. Dưới mái chùa là hàng chữ Sắc tứ Từ Quang Tự, bên phải là hàng chữ Bạch Thạch Sơn (núi Đá trắng), bên trái là hàng chữ A Lan Nhã (chốn Thanh tịnh) được gắn bằng những mãnh thủy tinh màu xanh ngọc.

Trước chùa có hai câu đối:

Từ ấm nhơn thiên ẩn ước bán không khai ngọc vũ

Quang đằng thế giới lung linh hội xứ hiển kim thân

Dịch:

Từ che trời người, giữa từng không ẩn hiện điện ngọc

Quang trùm thế giới, nơi đạo tràng lung linh kim thân.

Bảo Điện – chùa Từ Quang

Trong đại hùng Bảo Điện, tôn thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca, hai bên là bồ tát Quan Âm và bồ tát Địa Tạng. Trong Bảo Điện vẫn còn lưu giữ Đại Hồng Chung nặng khoảng 100 kg, được hòa thượng Pháp Ngữ đúc tại Huế, vào năm Duy Tân thứ 9 (1915).

Gian thờ Tổ – chùa Từ Quang

Phía sau Bảo Điện là gian thờ Tổ, thờ Tổ Đạt Ma và lịch đại cao Tăng trụ trì qua các đời. Đặc biệt chùa còn lưu giữ bộ y xưa (Được cho rằng, Triều Đình Tây Sơn ban tặng cho Tổ khai sơn Diệu Nghiêm).

Từ Quang cổ Tự được kiến lập trên đồi núi, phía Tây chùa là những tảng Đá trắng, với nhiều hình thù kỳ dị, nên dân địa phương thường gọi là chùa Đá Trắng. Chùa hướng mặt ra phía Nam, xa xa là dòng sông Ngân Sơn, nơi có làng Quảng Đức với nghề gốm thủ công nổi tiếng ngày xưa; cạnh đó là làng Bạc Mã-Quê Hương của Tổ sư Liễu Quán. Liên kết các địa danh này lại, nên dân Phú Yên có câu:

Cam Xuân Đài,

Xoài Đá Trắng,

Sắn Phường Lụa,

Cua đầm Ô Loan.

Sau lưng chùa dựa núi Bạch Thạch, tạo thế vững chắc cho ngôi cổ tự, đây là điểm khác biệt của những ngôi Tổ Đình tại Phú Yên.

Chùa Từ Quang được bao quanh bởi những cây xoài cổ

Ngôi chùa được bao quanh bởi những cây xoài cổ, có tuổi đời hơn thế kỷ, tuy đã gìa cỗi nhưng vẫn còn xanh tốt. Đặc biệt giống xoài này, được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là giống xoài hiếm, mà chỉ nơi này mới có được. (Tương truyền giống xoài này còn có tên là xoài Ngự, xoài Tiến, vì mỗi năm các Quan địa phương cho người về Chùa kiểm số xoài thu hoạch, rồi chuyển ra kinh Đô cho nhà vua). Năm 2014, những “cụ xoài” này được công nhận cây di sản quốc gia.

Vườn tháp Tổ – chùa Từ Quang

Phía Tây ngôi chùa là vườn Tháp Tổ, nơi lưu giữ nhục thân của lịch đại cao Tăng.

Tổ Đình Từ Quang được Tổ húy Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, dòng Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 36, khai sơn vào năm Đinh Tỵ (1797), cuối thời Tây Sơn. Sau khi du hóa khắp nơi để truyền đạo, Tổ dừng chân tại núi Đá Trắng, lập thảo am tu hành và chú giải kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, cơ duyên đầy đủ, từ một thảo am nhỏ, Tổ đã kiến tạo thành ngôi A lan nhã trang nghiêm.

Năm Thành Thái nguyên niên (1889), chùa được ban Sắc tứ Từ Quang Tự.

Đến năm 1929, chùa bị hỏa hoạn, các công trình kiến trúc và những bảo vật được Triều Đình ban tặng, hóa thành tro bụi. Về sau, ngôi chùa được hòa thượng Pháp Ngữ trùng tu lại trên nền móng cũ.

Đến đời Ngài Phước Hộ trụ trì, thì chiến tranh xảy ra, Ngài cùng Tăng chúng tạm di tản qua các tự viện khác, ngôi chùa bị bỏ hoang trong một thời gian.

Sau năm 1975, Đất Nước thống nhất. Cho đến năm 1989, hòa thượng Phước Trí và thượng tọa Thiện Tu, đại trùng tu lại ngôi Tổ Đình nên có diện mạo như ngày hôm nay.

Trụ trì hiện nay là hòa thượng Thích Đồng Tiến và giám tự là đại đức Thích Chúc Thuận.

Phật giáo du nhập vào đất Phú Yên rất sớm, được biết đến là Ngài Tế Viên – vị khai sơn chùa Hội Tôn. Ngài là bổn sư của Tổ sư Liễu Quán. Sau này, Tổ Liễu Quán được truyền thừa thiền pháp từ Ngài Minh Hoằng – Tử Dung, nên lấy pháp húy Thiệt Diệu thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Sau khi ngộ đạo tại Thuận Hóa,Tổ sư Liễu Quán đã trở về lại đất Phú Yên hoằng dương Phật pháp và phát triển dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán rực rỡ. Lúc này thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vẫn chưa được du nhập và phát triển tại đây.

Được biết, dòng Lâm Tế Chúc Thánh truyền vào Phú Yên bởi Ngài Thiệt Lãm, hiệu Chí Kiên, vị khai sơn hai ngôi chùa Thiên Hưng và Bảo Sơn Thiên Hải, Tuy An, Phú Yên.

Sau khi, Tổ Thiệt Lãm viên tịch tại chùa Thiên Hưng, Tuy An thì không có đệ tử thừa kế, nên thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không được truyền bá rộng rãi.

Đến khi Tổ Diệu Nghiêm dừng bước du hóa tại Bạch Thạch sơn (núi Đá Trắng), khai sơn chùa Từ Quang thì dòng Lâm Tế Chúc Thánh mới thật sự phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng toàn miền Trung vào cuối thế kỷ 18.

Tổ Diệu Nghiêm là bậc kiến văn quảng bác, đạo phong sáng lạng, nên hàng đệ tử thọ giáo rất đông. Ngài nổi tiếng có đến hai mươi tám vị đệ tử, các vị này đều là bậc Long Tượng trong Phật pháp như: Ngài Toàn Nhật – Quang Đài, trụ trì chùa Viên Quang, để lại nhiều tác phẩm cho đời, được viết bằng chữ Hán và Nôm. Ngài Toàn Thể – Linh Nguyên, người Bình Định, đã tìm về tu học với Ngài Diệu Nghiêm, được kế vị trụ trì đời thứ 2, tại Tổ đình Từ Quang – Đá Trắng. Ngài Toàn Đạo – Viên Đàm, vị trụ trì chùa Đức Xuân. Ngài Toàn Đức – Thiệu Long, trụ trì chùa Khánh Sơn. Ngoài ra, còn có các Ngài cầu pháp với Tổ Diệu Nghiêm như: Toàn Chiếu – Bảo Ấn trụ trì chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi, Ngài Toàn Thái – Phước Long chùa Linh Sơn – Bình Định, Toàn Ý – Phổ Huệ khai sơn chùa Phổ Bảo – Bình Định, Toàn Tín – Đức Thành khai sơn chùa Khánh Lâm – Bình Định….

Ngài Diệu Nghiêm được giáo sư Lê Mạnh Thát đánh giá là nhà văn hóa của xứ đàng trong, tề danh với nhà bác học Lê Quý Đôn vào thời điểm đó ở xứ đàng ngoài. Nếu như nhà bác học Lê Quý Đôn để lại cho đời rất nhiều tác phẩm như: Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ, Đại Việt sử ký tục biên,… thì Ngài Diệu Nghiêm cũng để lại cho đời nhiều tác phẩm đồ sộ không kém nhà bác học Lê Quý Đôn, các tác phẩm của Ngài: Tam bảo biện hoặc luận, Đại học chi thư, Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa,….

Đến thế hệ sau Tổ Diệu Nghiêm, cũng xuất hiện nhiều bậc cao Tăng thạc đức, được các nơi tìm về tu học như: Ngài Pháp Thân tu học với Ngài Huệ Nhãn. Ngài Phước Huệ học với Ngài Pháp Hỷ. (Các tư liệu ở Bình Định khi viết về tiểu sử Ngài Phước Huệ, đều chép rằng Ngài học với tổ Pháp Chuyên, đây là sự nhầm lẫn, vì Tổ Pháp Chuyên đã viên tịch trước đó khá lâu).

Cũng giai đoạn này, Ngài Huệ Nhãn, Ngài Pháp Ngữ, Ngài Pháp Ngãi, Ngài Pháp Hỷ cũng thường xuyên được mời ra Thuận Hóa, hoằng dương Phật pháp và được Triều Đình, Hoàng Gia trọng vọng.

Các Ngài tu học tại chùa Từ Quang, về sau đều là danh Tăng, Tòng lâm thạch trụ của Phật pháp.

Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận giới pháp cho giới tử toàn miền Trung, Tổ Đình Từ Quang nhiều lần mở các đại giới đàn. Lần gần nhất giới đàn được tổ chức vào tháng 7 năm 1906 (Bính Ngọ), do hòa thượng Pháp Tạng, trụ trì Tổ Đình Phước Sơn làm đàn đầu.

Đặc biệt nơi Tổ Đình này, từ khi Tổ Diệu Nghiêm khắc mộc bảng, ấn loát kinh sách, đến thế hệ sau này, cũng theo hạnh của Tổ cho ra đời các mộc bảng tam tạng, được gọi là “Từ Quang tàng bảng”. Mộc bảng này, đã được ấn loát, cho ra đời những tập kinh, luật, chú giải, được truyền bá khắp nơi, trong đó có miền Trung và miền Nam.

Tổ Đình Từ Quang là nơi xuất hiện nhiều bậc cao Tăng thạc Đức. Ngoài ra nơi này, còn lưu giữ những tác phẩm quan trọng về Phật học của Ngài Diệu Nghiêm, để các nơi khác tìm về đây nghiêm cứu và tu học.

Sau khi chúa Nguyễn thành lập xứ đàng trong, vì không muốn phụ thuộc vào văn hoá miền Bắc nên đa phần đều tiếp nhận Phật Giáo Trung Hoa. Thời kỳ đầu, phần nhiều các vị sư đều là người Trung Hoa, trong đó có vị được mời hoặc tự sang truyền đạo như: Ngài Thạch Liêm, Ngài Nguyên Thiều, Ngài Giác Phong, Ngài Tế Viên….

Cho đến khi, Tổ Diệu Nghiêm xuất hiện. Ngài đã dịch thuật, chú giải về Phật học, và cho ra đời những tác phẩm, thì giống như một làng gió mới thổi vào tư tưởng Phật học thời điểm đó. Tác phẩm quan trọng nhất và hấp dẫn là “Tam bảo biện hoặc luận”, đây là tác phẩm ghi lại cuộc tranh luận với tư tưởng nho giáo nhằm xiểng dương Phật Giáo. Ngài sáng tác rất nhiều thể loại như: Thơ (Diệu Nghiêm Lão Tổ Thi Tập), Văn có 4 tác phẩm: (Tam Bảo Biện Hoặc Luận, Chiết Nghi Luận Tái Trị, Thiện Ác Quy Cảnh Lục, Tam Bảo Cố Sự), Chú giải có (Báo Ân Kinh Chú Giải, Địa Tạng Kinh Chú Giải, Quy Nguyên Trực Chỉ Âm Nghĩa, Tỳ Ni – Sa Di – Oai Nghi- Cảnh Sách Âm Chú Yếu Lược), Từ điển có, 2 tập từ điển triết học: (Tam Bảo Pháp Số, Tam Bảo Danh Nghĩa), nghi lễ ( Chư Kinh Sám Nghi, Hoằng Giới Đại Học Chi Thư, Phật Tổ Đích Truyền Nhất Thống). Như vậy, Phật Giáo Việt Nam, nếu chọn ra một cái tên cho danh xưng “Tam tạng Pháp Sư” thì không ai sánh bằng được Ngài Diệu Nghiêm.

Các tác phẩm đó, được Ngài và thế hệ đệ tử, khắc thành mộc bảng để lưu thông nhưng vì nhiều điều kiện không cho phép nên không thể ấn loát với số lượng nhiều cho nên các nơi tìm về đây tu học cũng là điều tất nhiên.

Xuyên suốt thời gian cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, không có vị nào sáng tác nhiều tác phẩm Phật học như Tổ Diệu Nghiêm. Những vị nào, sáng tác hay chú giải kinh điển, nhiều lắm cũng vài ba tác phẩm, kể cả Phật Giáo miền Bắc vào thời điểm đó, đây quả thật là niềm tự hào cho chùa Từ Quang và Phật Giáo Phú Yên.

Đặc biệt tại Tổ Đình Từ Quang là nơi Ngài Toàn Nhật – Quan Đài xuất gia tu học, trước khi về trụ trì chùa Viên Quang, Ngài nổi tiếng về Văn, Thơ, trong đó có cả chữ hán và chữ nôm. Cho  nên, Tăng chúng Phú Yên khi khắc mộc bảng ấn loát kinh điển đều xin Ngài cho lời bạc.

Đến các đời trụ trì sau này, các Ngài cũng dựa trên những tác phẩm của Tổ Diệu Nghiêm mà tham cứu, học tập, và trở thành danh sư.

Sắc tứ Bạch Thạch Sơn – Từ Quang A Lan Nhã trải qua các đời trụ trì.

  1. Tổ húy Pháp Chuyên – tự Luật Truyền – hiệu Diệu Nghiêm.

Tổ Diệu Nghiêm sinh quán tại tỉnh Quảng Nam, xuất gia tu học với Ngài Thiệt Dinh – Ân Triêm. Ngài thọ giới cụ túc tại đại giới đàn chùa Bảo Lâm với hòa thượng Hải Điện. Sau 5 năm tu học với bổn sư, Ngài xin đi tham học với Tổ Thiệt Kiến – Liễu Triệt tại chùa Thập Tháp, Bình Định. Ở đây, Ngài tham cứu hết toàn bộ đại Tạng kinh. Tổ Diệu Nghiêm tùy cơ thuyết pháp theo nhu cầu của các đạo tràng và chuyên giảng về các kinh như: kinh Địa Tạng, Quy Nguyên trực chỉ, Pháp Hoa, Long Thơ Tịnh Độ, Sa Di Oai Nghi tăng chú…. Sau đó, Ngài đi hoằng hóa khắp nơi, từ Thừa Thiên vào Phú Yên.

Năm 1793, Ngài đến núi Bạch Thạch lập thảo am tu hành. Năm 1796, Ngài khai đàn truyền giới cho 200 giới tử. Đến năm 1797, Ngài chính thức khai sơn chùa Từ Quang. Năm 1798, Hoàng Thái Hậu thỉnh Ngài về kinh chứng minh đúc đại Hồng Chung. Sau khi pháp sự viên thành, Ngài được ban Cà sa Sắc tía, hiện nay vẫn còn thờ ở chùa Từ Quang. Ngày 15 tháng 5, Ngài trở về Phú Yên, tổ chức trai đàn bạt độ và truyền giới cho 100 giới tử.

Vào ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1798), Ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 73 tuổi. Ngài để lại bài kệ phú pháp cho Tăng chúng.

Lai nhi vị tằng lai

Khứ nhi vị tằng khứ

Khứ lai bổn như như

Như như hoàn lai khứ

Dịch:

Đến mà chưa từng đến

Đi cũng chẳng từng đi

Đến đi vốn như như

Như như lại đi đến.

Tháp Tổ khai sơn – chùa Từ Quang

Tổ để lại cho đời những tác phẩm rất quan trọng như: Đại học chi thư, Quy nguyên trực chỉ chú nghĩa….

Sách được in từ mộc bảng

Đệ tử đắc pháp của Tổ Diệu Nghiêm có 28 vị như: Ngài Toàn Thể – Vi Lương – Linh Nguyên, thừa kế trụ trì đời thứ 2, chùa Từ Quang. Ngài Toàn Đức – Vi Cần – Thiệu Long, trụ trì chùa Khánh Sơn. Ngài Toàn Đạo – Viên Đàm, trụ trì chùa Đức Xuân. Ngài Liễu Diệu – Chánh Quang, khai sơn chùa Triều Tôn.

Đặc biệt là Ngài Toàn Nhật – Vi Bảo – Quang Đài, trụ trì chùa Viên Quang là pháp sư nổi tiếng đương thời, để lại rất nhiều tác phẩm chữ hán lẫn chữ nôm như: Hứa sử truyện vãn, Thiền cơ ngộ đạo, và nhiều thơ văn đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của người dân Phú Yên vào thời điểm đó.

Trong đó có Hứa sử truyện vãn có thể sánh ngang với truyện Kiều của Nguyễn Du.

  1. Hòa thượng húy Toàn Thể – tự Vi Lương – hiệu Linh Nguyên (1765-1844)

Ngài họ Nguyễn,`sinh tại Phú Yên, xuất gia tu học với Tổ Diệu Nghiêm. Trong hàng đệ tử đắc pháp, Ngài là người xuất sắc nhất nên được chọn làm trưởng tử thừa kế trụ trì đời thứ 2, chùa Từ Quang. Ngài tiếp tục phát huy hoằng pháp độ sanh theo đại nguyện của bổn sư để lại. Chính Ngài đã chép lại sự tích của Tổ Diệu Nghiêm qua tác phẩm “Pháp chuyên luật truyền diệu nghiêm thiền sư nhân do sự tích chí”.

Năm 1810, Ngài ra Bình Định khai sơn chùa Long Tường, tại đây Ngài có hai vị đệ tử thừa kế là Chương Hương – Chí Thăng và Chương Tân – Tôn Chí – Chánh Nhân. Năm 1818, Ngài đứng ra vận động khắc bảng kinh “Địa tạng bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải, do Ngài Pháp Chuyên biên soạn”, còn nhiều tác phẩm khác của Tổ Diệu Nghiêm cũng được Ngài khắc bảng và lưu truyền hoặc chứng minh cho các thiền sư khác khắc kinh.

Vào ngày mùng 3 tháng 3 năm Giáp Thìn (1844), Ngài viên tịch, hưởng thọ 80 tuổi. Tháp Ngài được xây dựng trong khuôn viên chùa Đá Trắng.

Đệ tử nối pháp của Ngài rất nhiều như: Quảng Nhuận, Quảng Văn, Quảng Bình, Quảng Giác…

  1. Hòa thượng húy Chương Niệm – tự Tuyên Trực – hiệu Quảng Giác

Ngài là đệ tử Tổ Linh Nguyên, được bổn sư lập cử thừa kế trụ trì chùa Từ Quang đời thứ 3. Sau khi thừa kế bổn sư trụ trì, Ngài tiếp tục công việc khắc mộc bản kinh sách cho chùa Từ Quang.

  1. Hòa thượng húy Ấn Từ – tự Tổ Đức – hiệu Huệ Viễn

Ngài là đệ tử của ngài Quảng Giác, bẩm tính thông minh hiếu học, tài đức vẹn toàn nên được bổn sư chọn thừa kế trụ trì đời thứ 4, chùa Từ Quang.

Tháp Ngài Huệ Viễn

  1. Hòa thượng húy Ấn Thiên – tự Tổ Hòa – hiệu Huệ Nhãn

Sau khi Tổ Huệ Viễn viên tịch, không đệ tử kế vị. Ngài Huệ Nhãn được Tông môn cung thỉnh trụ trì chùa Từ Quang đời thứ 5 (lúc đó Ngài đang trụ trì Tổ Đình Phước Sơn). Trong thời gian trụ trì, Ngài làm con đường đá từ quốc lộ lên đến chùa, công trình này hiện nay vẫn còn.(Tiểu sử Ngài Huệ Nhãn được ghi rõ trong bài Tổ Đình Phước Sơn)

  1. Hòa thượng húy Chơn Tín – tự Đạo Thành – hiệu Pháp Hỷ

Ngài sinh tại Phú Yên, xuất gia tu học với Ngài Ấn Chánh – tự Tổ Tông – hiệu Huệ Minh, chùa Bảo Sơn. Thọ giới cụ túc được một thời gian, Ngài về trụ trì chùa Linh Sơn Hòn Chồng. Sau khi Ngài Huệ Nhãn viên tịch. Sơn môn cung cử Ngài Pháp Hỷ kiêm nhiệm trụ trì chùa Từ Quang đời thứ 6. Ngài Pháp Hỷ, uyên thâm phật học, tinh thông nho giáo, là pháp sư nổi tiếng thời bấy giờ. Danh tiếng Ngài được đồn khắp ra cả ngoài tỉnh. Ngài được nhiều lần mời ra kinh Đô thuyết pháp, giảng kinh, trong đó có các vị tham học với Ngài như: hòa thượng Viên Thành – trụ trì chùa Tra Am, Hòa thượng Đôn Hậu – trụ trì chùa Thiên Mụ, cư sĩ Lê Đình Thám….

Năm Thành Thái thứ 18 (1896), Ngài được vua mời ra thuyết pháp tại chùa Kim Quang – Huế.

Ngài đã nhiều lần tổ chức đại giới đàn tại chùa Linh Sơn, để thí giới cho hàng xuất gia và tại gia thọ cầu giới pháp. Trong thời gian Ngài trụ trì chùa Từ Quang, có rất nhiều vị hòa thượng thành danh sau này tham học với Ngài như: quốc sư Phước Huệ, hòa thượng Phổ Huệ…. đã vào tham học ba năm với Ngài Pháp Hỷ.

  1. Hòa thượng húy Chơn Thật – tự Đạo Thông – hiệu Pháp Ngãi

Ngài sinh quán tại Phú Yên, xuất gia tu học với Ngài Huệ Minh, chùa Bảo Sơn. Ngài Pháp Ngãi là sư đệ của Ngài Pháp Hỷ. Do Ngài Pháp Hỷ tuổi cao không thể kiêm nhiệm trụ trì hai Tổ Đình, nên Ngài Pháp Ngãi được cử về trụ trì chùa Từ Quang đời thứ 7. Sau khi về trụ trì chùa Từ Quang, Ngài Pháp Ngãi thành lập Nông Thiền tại Tổ Đình, mua sắm Trâu, Bò, nông cụ cho Tăng chúng sinh hoạt theo phương châm của Tổ Bách Trượng “Một ngày không làm một ngày không ăn”. Nhưng rất tiếc Ngài viên tịch rất sớm. Tháp Ngài được dựng tại khuân viên chùa Từ Quang.

  1. Hòa thượng húy Chơn Thành – tự Đạo Đạt – hiệu Pháp Ngữ

Ngài Pháp Ngữ là sư đệ Ngài Pháp Hỷ và Ngài Pháp Ngãi. Sau khi Ngài Pháp Ngãi viên tịch, Sơn môn cung cử Ngài Pháp Ngữ về trụ trì chùa Từ Quang đời thứ 8. Trong thời gian trụ trì chùa Từ Quang, Ngài bỏ lối sinh hoạt Nông thiền của Ngài Pháp Ngãi, thay vào đó là Ứng phú đạo tràng.

Năm 1928, Ngài Pháp Ngữ được cung cử làm chứng minh đạo sư, tại đại giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng. Trong thời gian trụ trì, ngôi Tổ Đình xảy ra hỏa hoạn, bị thiêu rụi hoàn toàn. Trong đó các mộc bảng, kinh sách, tài liệu của Tổ Diệu Nghiêm, và Ngài Toàn Nhật đều bị thiêu rụi, thật đáng tiếc.

Sau khi Tổ Đình bị cháy, Ngài Pháp Ngữ, xin phép chính quyền hóa duyên khắp nơi, và đại trùng tu lại ngôi chùa. Sau đó, Ngài nhập thất tu hành, rồi giao Tổ Đình lại cho Ngài Thiền Phương trong coi.

Tháp Ngài Pháp Ngữ

  1.  Hòa thượng húy Thị Chí – tự Hành Thiện – hiệu Phước Hộ (1904-1985)

Ngài Phước Hộ sinh quán tại Xuân Thọ, Sông Cầu, Phú Yên. Ngài xuất gia tu học với Ngài Thiên Phương, chùa Phước Sơn. Năm 1922, Ngài thọ giới cụ túc tại đại giới đàn chùa Linh Sơn – Hòn Chồng, do Ngài Hoằng Hóa làm đàn đầu. Tại đại giới đàn này, Ngài thọ giới Sa di mới 19 tuổi, nhưng vì Ngài đậu thủ Sa di, nên Ngài được hòa thượng đàn đầu là Ngài Hoằng Hóa đặc cách tấn đàn cho thọ giới cụ túc, đây là trường hợp đặc biệt khó xảy ra. Sau khi đắc giới, Ngài trở về lại chùa Phước Sơn hầu hạ bổn sư, tinh cần tu học ròng rã hơn 10 năm.

Năm 1932, Ngài được bổn sư gởi ra Huế tham học với hòa thượng Giác Viên được 1 năm thì bổn sư lâm trọng bịnh, cho nên Ngài trở về hầu hạ chăm sóc. Năm 1933, Ngài được chư sơn cử về trụ trì chùa Từ Quang. Năm 1934, Ngài được cung thỉnh làm giáo thọ sư tại đại giới đàn, chùa Thiên Bảo, Khánh Hòa. Năm 1937, Ngài được thỉnh vào Phan Rang giảng dạy Phật pháp tại chùa Tây Thiên. Năm 1938, Ngài trở về Phú Yên, hợp tác với chư sơn mở Phật học đường tại chùa Bảo Lâm ,Tuy Hòa.

Năm 1941, Ngài được thỉnh ra Huế giảng dạy tại Phật học đường Báo Quốc. Năm 1942, Ngài trở lại Phú Yên giúp việc cho hội Phật học tỉnh nhà. Năm 1945, Ngài trở lại chùa Từ Quang và được cung thỉnh làm Chánh hội trưởng hội Phật học. Năm 1947, Ngài đại trùng tu lại chùa Từ Quang. Năm 1952, Ngài được cung thỉnh làm Yết ma a xà lê, tại đại giới đàn chùa Thiên Bình, Bình Định. Năm 1959, Ngài kêu gọi toàn thể Phật tử trong tỉnh, phát tâm đóng góp xây dựng trường Bồ Đề, Tuy Hòa.

Năm 1963, Ngài là cây đại Thụ, chống đỡ ngôi nhà Phật pháp trước pháp nạn. Năm 1946, GHPGVNTN được thành lập, Ngài được cung thỉnh làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên. Năm 1964 đến 1970, Ngài cùng chư Tăng tín đồ trùng tu lại Tổ Đình Bảo Tịnh, nơi trụ sở của Giáo Hội Tỉnh. Năm 1968 (Mậu Thân), Ngài được cung thỉnh làm hòa thượng đàn đầu tại đại giới đàn Phước Huệ được tổ chức tại Phật Học Viện Nha Trang. Cũng vào tháng 9 năm này, Ngài được cung thỉnh làm đàn đầu tại đại giới đàn chùa Long Khánh, Bình Định. Năm 1971, Ngài được cung thỉnh làm Hội đồng Trưởng lão Viên tăng thống GHPGVNTN, kiêm luôn chức giám Luật viện này.

Năm 1973, Ngài lại được cung thỉnh làm đàn đầu hòa thượng đại giới đàn Phước Huệ tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Năm 1981, Ngài được cung thỉnh làm thành viên chứng minh GHPGVN.

Vào ngày 11 tháng Giêng năm 1985 (Ất Sửu), Ngài an nhiên thị tịch. Tháp ngài xây dựng tại khuôn viên chùa Bảo Tịnh.

Tháp Ngài Phước Hộ

  1. Hòa thượng húy Thị Tín – tự Hành Giải – hiệu Phước Trí

(tiểu sử Ngài Phước Trí được viết ở bài chùa Triều Tôn)

Hòa thượng Phước Trí trụ trì chùa Triều Tôn. Sau khi hòa thượng Phước Hộ viên tịch, hòa thượng Phước Trí kiêm luôn trụ trì chùa Tổ Đình Từ Quang đời thứ 10. Trong thời gian này vì tuổi cao sức yếu, nên Ngài giao lại toàn quyền đại trùng tu Tổ Đình Từ Quang cho giám tự húy Quảng Niệm – hiệu Thiện Tu, nhưng rất tiếc Ngài Thiện Tu viên tịch quá sớm.

Con đường đá ngày xưa và con đường trải bê tông ngày nay – chùa Từ Quang

Hôm nay khi lên thăm chùa Từ Quang, chúng tôi quyết định đi bộ trên con đường đá ngày xưa chư Tổ để lại. Mặc dù ngày nay đã có con đường trải bê tông lên đến tận chùa. Bước chân trên con đường đá, lối dẫn lên chùa Từ Quang, chúng ta được trải nghiệm, như bước lại lối đi lịch sử mà chư Tổ hành đạo gần 300 năm. Nơi đây, đã in dấu biết bao cao Tăng thạc đức trải qua nhiều thế hệ. Tổ Diệu Nghiêm đã ở nơi này, chú giải kinh Hoa Nghiêm, khi đã đủ duyên lành, khai sáng A Lan Nhã. Để rồi nơi này, trở thành Tổ Đình của tất cả Tổ Đình Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh Phú Yên.

Diệu pháp cao thâm, theo Phổ Hiền ứng mộng, vào đất Phú Yên hoằng hóa

Nghiêm trì giới pháp, đến Bạch Thạch cơ duyên, sáng lập Lan Nhã Từ Quang.

Đến chư Tổ sau này, các Ngài đều ngời ngời đức hạnh. Ngài nào không có đệ tử xuất sắc kế vị, thì chư Sơn môn chọn người xứng đáng nhất trong Tông môn lập lên kế tục. Cho nên đa phần các đời trụ trì nơi Tổ Đình Từ Quang, đều giới đức tinh cần, tài năng thuộc hàng xuất chúng.

Đặc biệt nơi đây, là nơi sư Võ Trứ và Trần Cao Vân, chí lớn gặp nhau, bàn kế sách cứu dân giúp nước. Nhưng tiếc thay “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, cuộc khởi nghĩa đã thất bại thảm hại. Tuy cuộc khởi nghĩa này thất bại nhưng sự đời không thể lấy thành bại mà luận anh hùng. Trong lòng người dân Phú Yên luôn khắc ghi và thầm phục sự tích anh hùng sư Võ Trứ. Để rồi hôm nay, chúng ta qua lại trên con đường thiên lý Bắc, Nam; nhìn từng tảng Đá Trắng nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện trong rừng cây, giống như những đoàn người, ngựa của nghĩa quân hào khí năm nào, đang hiển hiện tại chốn này, lòng không khỏi bùi ngùi xót thương.

Tướng quân chiến mã giờ đâu

Cỏ khô, hoa héo buồn rầu khóc thương.

Chúng tôi đến chùa Từ Quang, lòng bồi hồi nuối tiếc, khi nghĩ đến mộc bảng và những tác phẩm quí giá của chư Tổ để lại, nay đã hóa thành tro bụi, trong cơn hỏa hoạn. Âu cũng là nhân duyên, mộc bảng được hỏa táng và theo các Ngài về Tây, khi đã hoàn thành sứ mạng độ sanh. Hay có khi, đó cũng là ý Tổ, để cảnh tỉnh chúng ta “Nếu y theo kinh điển tìm Phật mà không hành trì thì giống như dùng sừng thỏ làm gậy khiêu trăng đáy nước”. Cho nên một ngọn lửa cũng đủ để cảnh tỉnh sự vô thường đối với thế nhân.

Cứ mãi tham quan và hoài niệm, chúng tôi quay gót trở về thì trời chập tối. Lúc này, Trăng đã nhô lên khỏi Vịnh Xuân Đài. Ánh thiềm cung chiếu sáng những tảng Đá Trắng phía sau núi lung linh kỳ ảo, làm cho ngôi Tổ Đình thêm phần tĩnh mịch linh thiêng. Bỗng vang lên tiếng chuông chùa như thức tỉnh những ai còn đang mê mờ bởi vô minh phiền não. Thật là:

Chuông khua tỉnh mộng sắc không

Đường về trăng sáng bên sông Ngân Hà.

Ngày nay, Tổ Đình Từ Quang đã khởi sắc trở lại. Nơi này trở thành điểm du lịch tâm linh và được công nhận Di Tích Lịch Sử Quốc Gia. Đặc biệt cứ vào ngày 11 tháng giêng hàng năm, tại chùa Từ Quang – Đá Trắng diễn ra lễ hội, đó cũng là lễ hội chùa duy nhất của người dân phú Yên.

Dưới đây là một số hình ảnh, xin gửi đến độc giả.

Phật Giáo Sông Cầu – BBT