Làm gì khi bị hiểu lầm?

HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP

Bị hiểu lầm là vấn đề thường xảy ra trong cuộc sống. Có thể nói là không ai tránh khỏi việc bị hiểu lầm. Chỉ khác nhau là vụ việc hiểu lầm ấy lớn hay nhỏ, ảnh hưởng đến danh dự cũng như tổn hại đến mình và người nhiều hay ít mà thôi.

HỎI: 

Lúc trước, tôi bị hiểu lầm, vì muốn minh oan nên tôi đã có ý định tự hại mình. Nay tôi biết việc tự làm hại bản thân cũng mang tội. Bị hiểu lầm cũng chính là quả báo. Cho tôi hỏi, khi bị hiểu lầm phải vui vẻ trả quả chứ không được tự hại mình vì mang tội phải không? Tôi phải làm gì khi bị người khác hiểu lầm?

(NGỌC KHÁNH, ngock2498@gmail.com)
ĐÁP: 

Bạn Ngọc Khánh thân mến!

Bị hiểu lầm là vấn đề thường xảy ra trong cuộc sống. Có thể nói là không ai tránh khỏi việc bị hiểu lầm. Chỉ khác nhau là vụ việc hiểu lầm ấy lớn hay nhỏ, ảnh hưởng đến danh dự cũng như tổn hại đến mình và người nhiều hay ít mà thôi. Vì bị hiểu lầm luôn có nguy cơ xảy ra nên mỗi người tự tích lũy cho mình những kỹ năng sống, ứng xử tích cực để đề kháng và hóa giải sự hiểu lầm.

“Bị hiểu lầm, vì muốn minh oan nên tôi đã có ý định tự hại mình” trong khi còn nhiều giải pháp khác khả thi là ứng xử vô minh, rất thiếu tuệ giác. Mình chết hay gần chết chỉ thiệt thân, tự tạo thêm ác nghiệp cho mình, trong khi nỗi oan vẫn còn đó. Kẻ vu oan giá họa càng thêm đắc ý vì mình an toàn, còn đối phương thì tự loại, rơi vào kế “bất chiến tự nhiên thành”.

Theo quan điểm Phật giáo, xác định “bị hiểu lầm cũng chính là quả báo” là đúng (bởi tất cả vận trình đều không ngoài nhân quả) nhưng “vui vẻ trả quả”, cam chịu một cách ngây thơ lại hoàn toàn không đúng. Người học Phật cần tiếp nhận và ứng xử với quả báo bị hiểu lầm một cách tuệ giác, đầy đủ Bi-Trí-Dũng.

Trước quả báo bị hiểu lầm, người Phật tử cần bình tâm quán sát xem nhân duyên của vấn đề bắt đầu từ đâu. Từ mình hay người, từ gần hay xa, do chủ hay khách quan… Thấy rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm không tái phạm nữa. Như vậy sẽ tránh được các mối họa tương tự về sau.

Tiếp theo, cần đối thoại để hóa giải việc bị hiểu lầm. Đối thoại là giải pháp thiết thực, khoa học và văn minh để hóa giải hàm oan cũng như bị hiểu lầm. Đối thoại là quyền căn bản của con người. Ở đời, tòa án là nơi để các bên đối thoại nhằm tìm ra sự thật, giúp quan tòa thưởng phạt công minh. Quan trọng là cách thức đối thoại, cần phát huy Bi-Trí-Dũng để các bên hiểu nhau, minh chứng cho sự trong sạch của mình.

Nếu “vui vẻ trả quả” bị hiểu lầm theo cách Nhẫn nhục ba-la-mật, tâm không gợn chút ưu phiền, bao dung và tha thứ hết cho người ác là tâm hạnh của Bồ-tát. Hạnh lành này không phải ai cũng làm được.

Chúc các bạn tinh tấn!

Theo Giacngo.vn