Phật giáo Sông Cầu được du nhập và phát triển trên hai trăm năm và xuất hiện không ít Tăng tài danh tiếng cho tỉnh nhà. Nơi đây, rất nhiều Tổ đình được thành lập nhưng đa số đều được chư Tăng đảm trách trụ trì và hoằng dương chánh pháp. Còn chư Ni ngày xưa, phần nhiều nương theo chư Tăng để tu hành. Cho đến khi, sự hiện diện Sư bà Tịnh Liên và Sư bà Tịnh Ngọc thì Ni giới Sông Cầu mới bắt đầu hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Quang cảnh – chùa Diệu Tịnh
Chùa Diệu Tịnh tọa lạc tại, Trung tâm thị xã Sông Cầu, cách cầu Thị Thạc, hướng về phía Bắc khoảng 50m. Diện tích đất Chùa khoảng 1000m2.
Đến chùa đầu tiên, du khánh sẽ chiêm bái tượng Bồ tát Quán Thế Âm ngự trên lưng một con rồng.
Để vào được Chính Điện, du khách nương theo hai bên cầu thang để lên Chính Điện lễ Phật. Bước vào Bảo Điện, chúng ta sẽ cảm nhận một không gian thoáng mát lòng đầy an tịnh.
Bảo Điện – chùa Diệu Tịnh
Trên Bảo Điện đức Thế Tôn đang ngự tọa trên tòa sen Bách diệp, gương mặt đầy vẻ an nhiên và hiền từ. Hai bên là tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền.
Nếu như, đa số chùa Bắc Tông tôn thờ tượng Bồ tát Địa Tạng và tượng Bồ tát Quan Âm ở hai bên tượng Bổn Sư thì chùa Diệu Tịnh với điểm đặc sắc là tôn thờ tượng Văn Thù và tượng Phổ Hiền.
Tôn tượng Văn Thù và Phổ Hiền – chùa Diệu Tịnh
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là vị cổ Phật, hiện thân Bồ tát để trợ tuyên chánh pháp cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài còn là vị đạo sư ba đời chư Phật, với thanh kiếm trên tay, tượng trưng cho trí tuệ sắc bén, đoạn tận phiền não. Nên người xưa có câu tán thán ngài:
Tam thế Như Lai chi đạo sư
Trí nguyện quảng đại nan tư nghì
Vô biên sát hải vi quốc độ
Đương lai phổ hiện thiện thệ tôn.
Dịch:
Làm đạo sư, ba đời chư Phật
Khó nghĩ bàn, trí thật cao siêu
Biển lớn quốc độ bao nhiêu
Chứng bậc thiện thệ sánh nhiều hằng sa.
Bồ tát Phổ Hiền, tọa ngự trên lưng Voi trắng sáu ngà (tượng trưng cho lục độ), dạo đi khắp mười phương quốc độ, để hộ trì những ai, hành trì Kinh điển Đại thừa, ngài còn là biểu tượng của đại nguyện. Vì vậy, người xưa có câu tán thán ngài:
Lục nha bạch tượng vi bảo tọa
Chư độ vạn hạnh tác tần thân
Hoa tạng thế giới xưng trưởng tử
Thập phương sát độ hiện toàn thân.
Dịch:
Tọa lưng voi trắng tuyệt vời
Ứng thân vạn hạnh độ đời khổ đau
Hoa tạng thế giới nhiệm màu
Mười phương thân hiện trước sau khắp cùng.
Sau khi lễ phật xong, du khách sẽ xuống gian thờ Tổ, nơi tôn thờ đức Tổ Kiều Đàm Di (Ma Ha Ba Xà Ba Đề), và di ảnh của hai Sư bà khai sơn chùa Diệu Tịnh.
Gian thờ Tổ Kiều Đàm Di và di ảnh của hai Sư bà khai sơn chùa Diệu Tịnh
Chùa Diệu Tịnh được khai sơn vào năm 1955, bởi hai Sư bà Tịnh Liên và Tịnh Ngọc, trước kia chùa chỉ là một thảo am nhỏ có tên là “Tịnh Độ Am”.
Vào Năm 1970, hai Sư bà đứng ra tạo dựng thảo am này, thành ngôi Tam Bảo và được cố hòa thượng Phúc Hộ chùa Từ Quang Đá Trắng đặt tên là Chùa Diệu Tịnh.
Chính Điện củ – chùa Diệu Tịnh
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Chùa Diệu Tịnh được nhiều thuận duyên nên đại trùng tu ngôi chùa khang trang vào thời điển đó.
Chùa Diệu Tịnh được xây dựng mới
Đến năm 2015, Chùa được đại trùng tu lần nữa, lần này được xây dựng rất quy mô nên có thời gian khá dài.
Trù trì chùa Diệu Tịnh hiện nay là Sư cô thích nữ Quảng Tường.
1. Ni Trưởng húy Quảng Đắc, tự Bi Thành, hiệu Tịnh Liên.
Sư bà Tịnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Tặng, sinh năm 1919, nguyên quán Sông Cầu, trong một gia đình thuần Phật. Năm 12 tuổi, Sư bà Quy y với hòa thượng Vĩnh Thọ tại chùa Vĩnh Long (Tuy An), được ban là húy Quảng Đắc, tự Bi Thành (ngoài ra Sư bà còn có ba vị huynh đệ là Ngài húy Quảng Liên, tự Bi Hoa và Ngài húy Quảng Đại, tự Bi Lượng, và người anh ruột là húy Quảng Đạt).
Sau đó, Sư bà Tịnh Liên tham học ở Ni trường Diệu Đức, Huế. Năm 36 tuổi, Sư bà được thọ cụ túc giới tại chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định.
Đến năm 1945, Sư bà Tịnh Liên về trụ trì chùa Lăng Nghiêm, tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu), được một thời gian. Về sau, Sư bà Tịnh Liên cùng Sư bà Tịnh Ngọc trở về lại phần đất của Gia tộc dựng thảo am tu hành, Tại đây, Sư bà luôn nghiêm trì giới luật, chuyên tâm tu hành, nên quần chúng nơi này rất kính phục và Quy y Tam bảo, nương theo tu tập ngày càng thêm đông.
Sau ngày GHPGVN thành lập, Sư bà phụ trách Ni bộ tại Phú Yên. Năm 1992, Sư bà được tấn phong Ni trưởng và đây là vị Ni trưởng đầu tiên tại tỉnh Phú Yên. Đến năm 2008, Ni Trưởng Tịnh Liên thuận thời viên tịch, trụ thế 89 tuổi, và 53 hạ lạp. Tháp Ni Trưởng được Ni chúng đệ tử xây dựng trang nghiêm trong khuôn viên Chùa.
2. Ni Trưởng húy Nguyên Ấn, tự Hành Tín, hiệu Tịnh Ngọc.
Sư bà Tịnh Ngọc Thế danh là Đặng Thị Đề, sinh năm 1919, tại thị trấn An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 19 tuổi, Sư bà xuất gia với Bổn sư húy Tâm Hoa tại Chùa Sanh Liên, tỉnh Bình Định. Năm 36 tuổi, Sư bà Tịnh Ngọc được thọ cụ túc giới tại Chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định. Tại đây, Sư bà Tịnh Ngọc cùng Sư bà Tịnh Liên kết thành pháp lữ. Đến năm 1945, hai Sư bà Tịnh Ngọc và Tịnh Liên đã phát nguyện về trụ trì chùa Lăng Nghiêm (thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu), và ở tại đây một thời gian. Sau đó, Sư bà trở về phần đất Gia tộc của Sư bà Tịnh Liên để tu hành . Vào năm 1970, hội đủ duyên lành, Sư bà cùng Sư bà Tịnh Liên tạo dựng thảo am thành ngôi Tam Bảo.Từ đó, hai Sư bà Tịnh Ngọc và Tịnh Liên đảm trách trụ trì, tiếp Ni độ chúng tu học.
Sau ngày GHPGVN thành lập, Sư bà cùng Sư bà Tinh Liên phụ trách Ni bộ tại Phú Yên. Năm 1992, Sư bà Tịnh Ngọc được tấn phong Ni trưởng. Đến năm 2006, NT. Thích nữ Tịnh Ngọc viên tịch, trụ thế 87 tuổi, được 51 hạ lạp. Tháp Ni Trưởng đã được Ni chúng đệ tử xây dựng trong khuôn viên Chùa.
Tháp Ni TrưởngTịnh Liên và Tịnh Ngọc
Có thể nói, Ni trưởng Thích nữ Tịnh Liên và Ni trưởng Thích nữ Tịnh Ngọc chính là hai cây đại thọ che mát cho hàng Ni chúng thị xã Sông Cầu nói riêng cũng như Ni chúng tỉnh Phú Yên nói chung.
Ngày nay, nhiều Chùa Ni trong thị xã Sông Cầu như: chùa Hải Sơn, chùa Phước Trung, chùa Phú Thịnh, Niệm Phật Đường Cao Phong …., đều có những vị đệ tử được xuất thân từ Chùa Diệu Tịnh và truyền thừa đến đời thứ 3.
Hôm nay, Ni chúng thị xã Sông Cầu vẫn luôn tu trì, sống hòa hợp và ngày càng phát triển thêm hơn. Đó cũng là nhờ Ân đức của hai Ni Trưởng để lại , giống như hoa Ưu Đàm tuy đã rụng nhưng mà hương thơm vẫn còn tỏa ra bát ngát.
Dưới đây là một số hình ảnh, xin gửi đến quý độc giả:
Phật Giáo Sông Cầu – BBT